Schopenhauer, triết gia người Đức có nói: “Mọi sự thực đều trải qua ba giai đoạn. Lúc đầu nó bị nhạo báng, rồi nó bị phản đối kịch liệt, cuối cùng thì nó được chấp nhận là tự nó có giá trị”. Phần tích cực, phần đóng góp có xây dựng của người cao niên vào xã hội, cộng đồng cũng như gia đình đã và đang được tuyên dương, nhất là khi tỷ số quý cụ trên tổng số dân chúng ngày càng một tăng. Đọc tuần báo Newsweek số cuối tháng 10/1999, ta thấy một bài báo có tiêu đề lớn: “Với các nhà doanh nghiệp, các luật sư, các bác sĩ, thì tuổi già sẽ đem lại cho họ cả một kho vàng”. Bài báo có một câu sau đây đáng để các bạn trẻ chọn nghề lưu ý: “Bất cứ một sinh viên nào xuất chúng về khoa học nghiên cứu tuổi già và tiến trình già, lại có thêm một bằng cấp luật khoa hay hành chính tài chính thì coi như đã có giấy phép in bạc giấy”.
Mà để có được sự đóng góp hữu hiệu, cụ thể, các cụ chắc cũng phải có một sự sửa soạn làm sao duy trì được phần lớn cái nhiệt huyết, hăng say, khả năng tinh thần và thể xác của thuở trung niên. Ta vừa an hưởng tuổi vàng, vừa làm việc hữu ích với bà con, họ hàng, lối xóm.
Tài liệu An Hưởng Tuổi Vàng này được giới thiệu tới quý vị để chúng ta cùng làm công việc sửa soạn đó. Thực tâm mà nói thì người viết cũng gần đến tuổi hưu hành chính lại cũng mon men muốn vào bảng “Cổ Lai Hi” nên trong những năm vừa qua đã cố gắng học cách thức sống tuổi già, qua kinh nghiệm của quý vị đàn anh lão trượng, hoặc qua kiến thức thu lượm trong sách báo. Giờ đây, chúng tôi xin chia sẻ cùng độc giả. Cũng như xin quý vị đóng góp thêm cho bằng những kinh nghiệm riêng, để hy vọng duy trì được hiện tình, tuổi đời gần “sáu bó rưỡi”, mà Tâm Thân cố giữ an lạc, dáng đi chưa đến nỗi ngả nghiêng, người anh em đồng hao cho chục viên Viagra mà vẫn chưa phải dùng tới, và người bạn đường trên ba mươi năm không khiếu nại.