Dù ở thời đại nào, cha mẹ cũng luôn mong muốn đem đến hạnh phúc cho con cái. Trẻ sẽ cảm thấy cuộc sống của mình trở nên thú vị hơn nếu trẻ học tốt ở trường, có nhiều bạn bè, biết chơi một nhạc cụ nào đó hay có thật nhiều đồ chơi, v.v. Song tất cả chỉ có ý nghĩa khi trẻ cảm nhận được niềm vui trong từng công việc mà trẻ đang làm.
Tạo nên nền tảng tình cảm vững chắc
Hạnh phúc chính là nền tảng tình cảm của trẻ. Khi cảm nhận được niềm hạnh phúc, trẻ sẽ luôn háo hức để trải nghiệm những điều mới mẻ trong từng ngày. Qua từng giai đoạn, tâm lý của trẻ sẽ không ngừng phát triển. Sẽ không tránh khỏi những lúc trẻ bực bội hoặc cảm thấy không hài lòng vì một việc gì đó, chẳng hạn bị thầy cô la rầy khi nói chuyện riêng trong giờ học, bị mất món đồ chơi yêu thích, hoặc gây gổ với bạn bè… Nhưng những tâm trạng này của trẻ sẽ nhanh chóng đi qua vì chúng chỉ xảy đến một cách tạm thời mà thôi.
Tuy nhiên, nếu lúc nào trẻ cũng cảm thấy buồn bã hoặc không hài lòng về một việc gì đó, thì chắc chắn trẻ sẽ không còn thời gian lẫn hứng thú để quan tâm đến những món đồ chơi ưa thích hay những sự việc đang diễn ra xung quanh mình nữa. Khi đó, khả năng gây ảnh hưởng cũng như khả năng mang lại niềm vui cho trẻ của những hoạt động này sẽ giảm đi rất nhiều. Tương tự, khi tâm trạng buồn rầu, kém năng động chiếm ưu thế trong đời sống tình cảm của trẻ thì trẻ sẽ không còn muốn phấn đấu để đạt kết quả cao trong học tập, cũng như cố gắng để giành thành tích cao nhất trong các cuộc thi thể thao nữa…
Các kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy rằng trẻ em ngày nay phải chịu quá nhiều áp lực từ mọi phương diện xã hội. Nghĩa là hiện nay có rất nhiều trẻ em luôn trong trạng thái bị căng thẳng, bất an và lo lắng nhiều hơn so với trẻ em các thế hệ trước. Điều này là bằng chứng cho thấy rằng không phải trẻ em nào cũng luôn có hạnh phúc như nhau.
Nhận diện niềm hạnh phúc của trẻ
Hạnh phúc là một khái niệm tâm lý học mà chúng ta chỉ có thể cảm nhận thông qua những trải nghiệm, chứ rất khó định nghĩa. Theo chúng tôi, hạnh phúc của trẻ được xác định bởi những yếu tố như: cảm xúc tích cực đối với cuộc sống, biết tự hài lòng và cảm thấy thỏa mãn về bản thân, về tính cách, về sự thành công của mình và những mối quan hệ với mọi người xung quanh.
Đôi khi hạnh phúc của trẻ được biểu lộ một cách rất rõ ràng, chẳng hạn bé cười hớn hở khi thấy cha mẹ đến đón lúc tan trường, hoặc bé thấy thích thú khi được lần đầu tiên đi máy bay.
Tuy nhiên, không phải lúc nào hạnh phúc của trẻ cũng được bộc lộ một cách rõ ràng để chúng ta có thể nhận ra một cách dễ dàng như vậy, mà đôi khi nó còn được biểu hiện hết sức tinh tế. Chẳng hạn, đã bao giờ bạn biết hết tất cả lí do vì sao bé thích đến trường chưa? Có thể bé sẽ không nói cho chúng ta biết bé cảm thấy rất vui với những hoạt động ở trường, với những người bạn ở lớp... Có thể không phải sáng nào bé cũng đến trường với nụ cười hớn hở trên môi, nhưng đến lúc vào lớp thì bé lại rất ngoan và hào hứng với bài tập được giao, mỗi khi đi học về thì líu lo kể những trò chơi mới ở trường… Tất cả những biểu hiện ấy chứng tỏ rằng bé đang hạnh phúc với cuộc sống của mình và với thế giới xung quanh. Khi đã thấu hiểu tâm lí trẻ, chúng ta có thể “bắt nhịp” chính xác với bất kỳ dấu hiệu tinh tế nào chứng tỏ là bé đang hạnh phúc hay đang buồn lo.
Làm cách nào để trẻ hạnh phúc?
Không điều gì có thể chắc chắn rằng những việc chúng ta làm là “đúng” hay “sai” để giúp trẻ đi đến hạnh phúc. Phần lớn điều này tùy thuộc vào nhân cách riêng của từng trẻ, vào tính khí, kỹ năng, thái độ, cũng như cách thức mà chúng cảm nhận về cuộc sống, về mối quan hệ giữa trẻ với những người xung quanh… Ngoài ra, hạnh phúc của trẻ không phải là sự sắp đặt ngẫu nhiên, vậy nên chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng mọi điều tốt đẹp đến với trẻ đều tự nhiên mà có. Trong nhiều trường hợp, trẻ chỉ cảm thấy hạnh phúc khi nhận được sự trợ giúp và hướng dẫn của người khác mà thôi.
Nội dung của cuốn sách đề cập đến những yếu tố góp phần tích cực vào việc bồi đắp nên hạnh phúc cho trẻ. Phần đầu sách sẽ giới thiệu về sự phát triển và những điều góp phần tạo nên hạnh phúc cho trẻ thông qua những phương pháp nuôi dạy con tích cực. Phần tiếp theo trình bày về bản chất và tầm quan trọng của lòng tự tin đối với trẻ. Kế đó là những phương pháp giúp trẻ điều khiển tình cảm một cách hiệu quả hơn, và không ngừng khám phá những mối quan hệ xã hội quan trọng khác. Chương cuối của cuốn sách sẽ nhấn mạnh đến vai trò của giao tiếp tích cực trong việc tạo nên hạnh phúc cho trẻ. Mỗi chương đều có phần hỏi đáp của các bậc cha mẹ về những thắc mắc của con mình với cùng chủ đề liên quan.
Đối tượng chính mà cuốn sách này nhắm tới là những bậc cha mẹ có con từ 4 - 12 tuổi, đây được xem như một “cẩm nang” hữu ích nhất trong việc nuôi dạy con, nhằm giúp bé luôn có một cuộc sống hạnh phúc và cảm thấy hài lòng về bản thân. Cuốn sách sẽ là người bạn đồng hành quan trọng đối với tất cả những ai đang làm cha mẹ hoặc sắp làm cha mẹ, luôn mong muốn đem đến những điều tốt đẹp nhất cho con cái mình.
Sách được biên dịch từ cuốn How to have a happy child của bác sĩ Richard C. Woolfson, do First News thực hiện, phát hành tại Nhà sách Trí Việt và các nhà sách trên toàn quốc.
First News
<="" p="" src="/upload/s/20140111/9ec3531eb56718cdfa06176558275b48nuttusach_01.png" />