Não là cơ quan quan trọng nhưng phức tạp nhất trong cơ thể con người. Nó chứa khoảng 20 tỷ tế bào, có vai trò đảm nhận mọi hoạt động của cơ thể. Trong não, chất xám chiếm tỷ lệ tương đối lớn. Đó là những tế bào thần kinh (nơron thần kinh) có nhiệm vụ xử lý thông tin. Ngoài ra, trong não có chứa chất trắng, là những dây thần kinh có nhiệm vụ gửi các thông tin bằng hóa chất và truyền thông tin giữa các tế bào thần kinh. Bất kỳ tổn thương nào ở não cũng sẽ gây ảnh hưởng tới các tế bào thần kinh. Đột quỵ là một trong những căn bệnh nguy hiểm phát sinh ở não, nó liên quan mật thiết đến cơ quan quan trọng của cơ thể, đó là tim.
Trong cuộc hội thảo bàn về "Chương trình đào tạo cơ bản điều trị đột quỵ" của bộ Y tế kết hợp với Tổ chức Đột quỵ thế giới (WSO) diễn ra gần đây, đã đưa ra cảnh báo về tính chất nguy hiểm của bệnh đột quỵ. Tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân đột quỵ đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau bệnh nồi máu cơ tim. Chỉ riêng trong năm 2006. có tới 5 triệu người tử vong do đột quỵ. Những dichứng để lại sau đột quỵ cũng rất nghiêm trọng, phổ biến là bệnh nhân bị liệt nửa người hoặc liệt toàn thân, mất ý thức...
Đối tượng dễ mắc bệnh đột quỵ thường là những người ở độ tuổi trung niên và cao tuổi, tỷ lệ mắc bệnh ở nam lớn hơn ở nữ. Tuy nhiên, áp lực công việc, thói quen ăn uống thiếu khoa học, ít vận động... đã và đang dần trẻ hóa những bệnh nhân của bệnh đột quỵ.
Bệnh đột quỵ có thể được xem là hiểm họa đối với con người, nhưng điều đó không có nghĩa là nó không thể chữa trị và phòng tránh. Chúng ta cần thiết phải xây dựng và phổ biến chương trình chăm sóc bệnh nhân đột quỵ cấp tính cũng như mạn tính. Đó là biện pháp hiệu quả và thiết thực trong việc giảm tỷ lệ tử vong do bệnh đột quỵ. Cuốn sách Phát hiện và điều trị bệnh đột quỵ sẽ cung cấp cho các bạn những kiến thức cần thiết về cách phòng, trị và chăm sóc bệnh nhân đột quỵ.
Xin trân trọng giới thiệu!