Suốt hơn 50 năm trải nghiệm thực tiễn và tham gia lâm sàng tại một bệnh viện đa khoa lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh, suy thận là một trong vài bệnh mà tôi thích nghiên cứu và học hỏi.
- Thuở còn đi học, cách đây hơn 70 năm, khoa thận là một khoa còn mới mẻ, tuy đã hoàn chỉnh: phần sinh lý đã có được học đủ các chức năng của thận, dĩ nhiên cách sắp xếp có khác hơn ngày nay. Phần bệnh học, trên lý thuyết, cũng như trong lâm sàng, chỉ biết bệnh suy thận đã hình thành hay đã tiến triển đến giai đoạn nặng. Tất nhiên là không có thuốc chữa trị (lọc máu ngoài thận chỉ được khởi vào dạo 1947).
- Lúc bấy giờ, báo chí có đưa một tin gây xúc động. Một bé trai 7 tuổi tên Jules Renard bị suy thận nặng. Do không có thuốc chữa, chỉ còn có cách là ghép thận. Bà mẹ bằng lòng cho một quả thận của mình. Thời bấy giờ, y học chưa biết rành về môn phù hợp mô trong ghép tạng. Một tuần sau khi phẫu thuật, cơ thể của bé không chấp nhận quả thận được ghép và bé tử vong. Câu chuyện trên với môn phù hợp mô theo đuổi tôi cho đến ngày trưởng thành trong nghề nghiệp! (Mô có nhóm như máu, phải phù hợp thì cơ thể mới chấp nhận).
- Khi ra đời hành nghề, bệnh nhân đến khám không giống như hồi học ở nhà trường hay ở bệnh viện thực hành. Có những bệnh nhân than phiền về triệu chứng của mình gợi cho tôi suy đoán về nguồn gốc của bệnh có thể là do thận, nhưng vì không có tài liệu khoa học và khả năng nghiên cứu, cũng như biết là không có thuốc điều trị nên tôi đành phải chữa qua loa theo triệu chứng.
- Vào cuối thế kỷ trước, tôi có theo bệnh nhân sang Ấn Độ (1 lần) và Đài Loan (2 lần) để ghép thận. Tất nhiên, vào thời điểm này, y khoa đã biết rành về môn phù hợp mô và các thuốc ngừa loại mảnh ghép.Tôi học hỏi cách làm của các bạn đồng nghiệp láng giềng: sửa soạn bệnh nhân trước ghép, theo dõi sau ghép và cả mặt trái của vấn đề(!).
- Vào đầu thập niên của thế kỷ này, tôi có đọc trong y văn Pháp một quyển sách tựa “Suy thận mãn - từ chẩn đoán đến thẩm tách”; đồng tác giả là 5 cán bộ giảng viên Khoa Thận học của một trường đại học y bên Pháp. Câu mở đầu của quyển sách viết: “Suy thận mãn bị hiểu biết sai bét! Thế mà, từ 1960, một thành tích kinh khủng của y học là cứu sống nhiều tram nghìn bệnh nhân trong hoàn cầu bị suy thận mãn, sống thêm cả trên chục năm nhờ thẩm tách hay ghép thận”... Sách đáp ứng đúng yêu cầu, nhưng nghĩ cho cùng, trong thực tiễn lâm sàng, ở xã hội Việt Nam, bệnh suy thận mãn còn nhiều điều “hay ho” hơn!
- Từ “THẬN” dùng trong sách này chỉ tạng trong cơ thể người như tim hay phổi; (ở hàng thịt, người ta gọi “trái cật”). Nó có nhiều chức năng. Nhưng khi nói nó “yếu” hay “suy”, cách hiểu biết không được rõ ràng thống nhất; càng rối rắm hơn khi có tính từ “mãn tính” kèm theo. Ngay tại những nước có ngành y tế tiến bộ, việc chữa trị cho bệnh nhân bị suy thận mãn trong giai đoạn cuối bằng lọc máu qua thận nhân tạo hay ghép thận đã được biết đến từ lâu; nhưng, khi làm thống kê rõ ràng giai đoạn khởi đầu “suy mãn tính” thì khoa học chưa đáp ứng được tính chính xác (!). Sách này có mục tiêu phổ cập kiến thức, mong giúp ích phần nào cả người chẩn đoán - chữa trị, cả người bệnh, nên cố đơn giản hóa một số vấn đề nhưng vẫn tôn trọng triệt để khoa học.
- Chỉnh vài “Thành kiến sai lầm” còn lác đác trong tự chẩn đoán và tự điều trị
- Định vị và chức năng tạo sai lầm Thận nằm phía sau ổ bụng, ngay vòng thắt lưng, hai bên cột sống. Thận phải nằm dưới gan, thận trái bên cạnh lá lách. Động mạch thận xuất phát từ động mạch chủ. Do vị trí này mà có người kết luận đơn giản: “đau lưng” là do “thận yếu” và tự dùng thuốc “bổ thận”, có khi gây hại thật sự cho thận. Lại cũng có người nghĩ “gần” trúng đau lung là do cột sống lưng, tự dùng thuốc loại kháng viêm không stêrôit, thường để trị bệnh khớp, nhưng có hại cho thận. Cũng có trường hợp người than “đi tiểu nhiều”. Thật ra, suy thận cũng gây đi tiểu nhiều, nhưng có một số bệnh bàng quang, tuyến tiền liệt, đường niệu… cần chẩn đoán hơn là nhận định đơn giản đi tiểu nhiều là do “thận yếu” và tự dùng thuốc “bổ thận” trước khi có chẩn đoán khoa học chính xác. Giảm sút khả năng tính dục là một chương dài của bệnh học ngành y, vì liên hệ đến toàn thể xác lẫn tâm lý -tâm thần. Gọi đơn giản “yếu sinh lý” rồi tự uống thuốc kích thích là sai lầm và có hại. Trên đây, chỉ kể qua vài “Thành kiến sai lầm” thỉnh thoảng còn gặp ở một số người tự chữa trị với chẩn đoán mơ hồ.
- Sách Suy Thận Mãn cũng nhắm đến các bạn trong ngành y, ngoài khoa thận, một số thông tin có thể có ích:
- Sử dụng kết quả phòng xét nghiệm trong chẩn đoán suy thận;
- Khuyên tránh thuốc uống có hại cho thận cho dù suy thận mãn chỉ ở mức độ vừa phải (Metformine trong đái tháo đường);
- Hướng cách làm cho bệnh suy thận mãn tiến triển thật chậm;
- Thông tin, giải thích kỹ càng để người bệnh đặt niềm tin về bệnh và cách theo dõi, điều trị từng giai đoạn;
- Nhận trách nhiệm trong điều trị biến chứng (nguy cơ tim - mạch) và các bệnh cùng lúc (đái tháo đường, cao huyết áp…);
- Cố giữ gìn người bệnh trong tình trạng sức khỏe tương đối, dự định có thể phải áp dụng cách điều trị thay thế (lọc máu, ghép thận) bằng cách cố bảo vệ tình trạng hệ tĩnh mạch; chủng ngừa sớm viêm gan siêu vi B.
Nghiên cứu hiệu năng thuốc đông y
- Một số tin cho biết thuốc đông y có thể chữa khỏi.
- Tây y cho biết: “Trong cơ thể, thận có đặc điểm kỳ diệu là tự phục hồi được hoàn toàn nếu xóa bỏ sớm nguyên nhân gây thương tổn cho nó”. Cần có một công trình dài hạn nghiêm túc đúng khoa học để có thể kết luận.
BS. Lương Phán