Có người muốn gói gọn cả quãng trời phức tạp của một đời sống đầy giông gió của doanh nghiệp thật đơn giản vào một thứ khái niệm: đòn bẩy. Chưa phải lúc để chúng ta bàn về thứ trang sức đầy bí hiểm này nhưng trước hết có thể nôm na rằng, đòn bẩy kinh doanh có sức làm tăng lợi nhuận khi hoạt động doanh nghiệp đang hồi cường thịnh, nhưng chính sức mạnh đó - mà không phải cái gì khác, sẽ nhấn chìm không thương xót một doanh nghiệp lúc lâm vào trạng thái cực suy.
Trong khi đó, đòn bẩy tài chính làm cho tỷ suất sinh lời của vốn chủ sở hữu - một thước đo năng lực nhà quản lý, tăng cao khi hoạt động có hiệu quả và cũng sẽ tan như sương khói nếu hoạt động đột nhiên đi vào bế tắc.
Thật không phải là quá lời khi nói rằng cuộc đời thăng trầm của các nhà quản trị đều lên xuống ngả nghiêng theo chỉ tiêu này.
Sự đánh đổi quả rất nghiệt ngã nhưng lại là một phạm trù hợp qui luật. Thị trường - sân chơi chung sòng phẳng đến vô tình, rộng lớn đến xa xôi, một lần nữa lại nhắc nhở ta rằng, ở đó - một chiến trường thực sự khốc liệt, không có chỗ cho những kẻ bất tài, cơ hội và đớn hèn.
Không có một ranh giới nào mà lại mong manh đến thế, ranh giới giữa tôt đỉnh vinh quang và cực cùng cay đắng về số phận đầy rủi ro bất trắc của một doanh nghiệp trước cơn lũ dữ cuộc đời. Và các giám đốc - những thuyền trưởng đầy bản lĩnh, kiến thức, năng lực và lòng dũng cảm.
Hiệu quả công ty đâu phải chỉ luôn có được từ sản xuất, và mua bán một sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thông thường. Một quyết định quản trị tài chính cũng có thể mang lại cho công ty hay nhà đầu tư món lợi nhuận kếch xù và tất nhiên, hoặc có thể đi đến phá sản.
Mà để làm được như vậy, đôi khi người ta cần một cái Enter trên máy tính. Có lẽ đó cũng là một trong những điều cụ thể của một nền kinh tế tri thức vậy.