Trong kho tàng văn hóa của nhân loại, tình yêu - hôn nhân là một di sản vô tận, một biểu tượng cao đẹp và thanh khiết, đau khổ trong thế giới con người. Những bản anh hùng ca, những bi kịch thời đại, những tuyệt tác văn chương, dường như cũng từng được bất nguồn sáng tạo, cảm khái từ hành trình đến với tình yêu, với hôn nhân hạnh phúc. Và nhà thơ hay văn nhân mãi mãi là những lữ khách trên hành trình bất tận ấy.
Từ khai thiên lập địa, con người vẫn quan niệm tình yêu và hôn nhân là một trong những mục tiêu trọng yếu của đời người. Ai cũng mong cầu, khao khát tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống chung, được đánh dấu bằng nhiều hình thức, nghi lễ, dựa trên nền tảng văn hóa, tập quán, tôn giáo của mỗi quốc gia, dân tộc giữa sự sống và cái chết.
Song, điều khao khát âu có lúc cũng chính là một bi kịch của thế giới con người. Không ai ngoài họ sản sinh ra tình yêu và hôn nhân, nhưng cũng là họ đã dựng nên những rào cản đối với ước mơ và khát vọng của chính mình. Những thể chế khắt khe của thời phong kiến trung cổ đã đặt tình yêu và hôn nhân vào trong những quy phạm ngặt nghèo, khắc nghiệt.
Tình yêu - hôn nhân bị vây bủa bởi chủng tộc màu da, bởi tín ngưỡng tôn giáo, bởi đẳng cấp giàu nghèo, bởi những lễ giáo gia đình xã hội... kéo theo đằng sau nó những bi kịch của đời người trong sự chịu đựng, câm lặng.
Bước sang thời đại tiến bộ, con người phần nào được giải phóng ra khỏi những rào cản nói trên. Song từ đây, rẽ hướng sang một trạng thái khác, tình yêu và hôn nhân lại đối diện với những vấn đề thời đại khi sự phức tạp, sự hụt hẵng, sự đổ vỡ của thế giới nội tâm và những bức xúc tình cảm trong dòng chảy ào ạt của cuộc sống thực tại. Con người lại đứng trước những báo động đó, đó là sự va chạm và cọ sát với một cuộc chạy đua giữa những giá trị đích thực của tình yêu hôn nhân với mặt trái của đời sống văn minh vật chất. Những “sản phẩm” có nhãn hiệu như: sống thử - tiền hôn nhân, li hôn, li dị, tự do cá nhân… đã làm chóng mặt các chuyên gia tư vấn tâm lý, những nhà xã hội học, giáo dục học, cũng như trở lại làm mệt mỏi hơn, lo ngại hơn với chính đời sống của mỗi cá nhân con người. Chưa bao giờ, càng khi con người hối hả chuyển giao những công trình cho thế kỷ mới, thì cũng là họ, tất bật hơn, day dứt hơn và ham muốn được sinh tồn gìn giữ đời sống hôn nhân của mình…
Và không chỉ bó gọn trong điều sơ sài nêu trên, cuốn sách do Tỳ Kheo Thiện Minh dịch đã ra đời, như một phép đối chứng biện giải về tình yêu hôn nhân dưới góc nhìn Phật giáo. Những ngơ ngác trong tình cảm con người, những khái niệm về tình yêu, hôn nhân, những vấn nạn tràn lan trong đời sống hôn nhân - tình yêu cùng với những giới luật của nhà Phật… đã được tác giả trình bày, lý giải một cách xác đáng, khúc chiết và khách quan.
Rõ ràng, để nhận thức về một tình yêu đích thực cùng như xây đắp một đời sống hôn nhân hạnh phúc, không phải là điều rõ ràng, song nếu biết phân định đâu là bản chất và thực tế, đâu là bản năng vô thức đâu là trách nhiệm và giới hạn đạo đức thì con người sẽ không bị quấn chặt trong những bi kịch luẩn quẩn. Tác giả quyển sách dường như không né tránh cả những điều sâu kín trong khối bản thể tự nhiên và bản thể tâm thức của con người, và cũng không hề phủ nhận những giá trị truyền thống cũng như những hiện tượng phát sinh của xã hội hiện đại. Vấn đề quan trọng là sau khi lý giải nguồn gốc từ Đông sang Tây, từ xưa đến nay để thống nhất quan niệm và đi đến những biện pháp xử lý khoa học và khách quan. Vì thế hy vọng quyển sách này sẽ là những hành trang cho những người bạn trẻ lần đầu chạm gót trên con được gay go, phức tạp của đời người lắm chuông gai nhưng cũng đầy hoa thơm cỏ lạ. Cuốn sách nhỏ cũng là nơi khơi nguồn tìm về hạnh phúc thiêng liêng không thể thiếu được, nơi mầm sống bắt đầu và tiếp tục trưởng thành, nơi con người sinh ra và tận hưởng cả những nỗi đau ngọt ngào lẫn niềm vui nhân thế…