Giáo lý của Phật giáo được bao hàm trong ba tạng Kinh, Luật, Luận. Kinh tạng, những bộ kinh ghi chép những lời thuyết pháp do đức Phật nói ra để hóa độ chúng sinh. Luật tạng, những bộ luật quy định về giới điều cho các hàng đệ tử. Luận tạng, những bộ luận bàn rõ về hệ thống tư tưởng và tinh thần vĩ đại của Phật Đà.
Trên lĩnh vực liên hệ đến nghệ thuật văn học, thì Luật Tạng và Luận Tạng không phải là thiếu về bộ môn này, nhưng nó kém phần phong phú hơn đối với Kinh Tạng. Vì lẽ, Kinh Tạng do Đức Phật trực tiếp nói ra, được dựa trên phương pháp chỉ đạo thiện sảo, nên rất đượm nhiều tinh chất và giá trị văn học.
Mỗi khi Phật giáo được truyền vào nước nào thì ảnh hưởng của Phật giáo đều được thấm nhuần và hòa đồng vào trong mỗi lĩnh vực tư tưởng Triết học, Văn học cũng như mọi sinh hoạt hàng ngày của từng nước đó. Phật giáo được truyền vào Việt Nam ta cũng đã có gần hai nghìn năm lịch sử nên ảnh hưởng của Phật giáo đã được in sâu vào tâm khảm của mọi tầng lớp quốc dân.
Ý thức được trách nhiệm truyền đạt phần tư tưởng siêu việt của Phật giáo phổ cập đến mọi tầng lớp dân gian, nên Thầy Phạm Thiên Thư đã mạnh dạn thi ca hóa Kinh Hiền Ngu (Damamukasutra) được gọi tắt là "Kinh Hiền" của Phật giáo qua thể thơ lục bát.
Kinh Hiền dựa trên căn bản nhân duyên hoặc thí dụ, thiện nghiệp và ác nghiệp.
Kinh Hiền ra đời không những chỉ bổ ích trên phương diện sinh hoạt hóa Phật giáo qua phần thi ca, mà còn là một viên gạch quan trọng góp phần xây đắp vào nền văn hóa Phật giáo Thế giới và Dân tộc ngày thêm phong phú.