Năm 1885, V. Hugo từ biệt cõi đời tại Paris. Ba mươi tám năm sau, ở gần biên giới Việt Nam và Campuchia, một nơi xa Paris hơn hai mươi ngàn cây số, ông lại xuất hiện trong các buổi cầu cơ với vai trò Chưởng đạo linh thiêng hội Thánh Cao Đài Hải ngoại. Ngày nay, khách du lịch từ khắp nơi đến thăm Tòa Thánh Tây Ninh - thủ phủ của đạo Cao Đài, đều ngạc nhiên thấy bức tranh hoàng tráng ba vị thánh ngay lối vào nhà thờ và nhiều người quỳ xuống lạy tỏ lòng tôn kính. Bên cạnh có biển ghi chú rõ một trong ba vị thánh là: “Victor Hugo nhà văn vĩ đại Pháp”.
Đạo Cao Đài là một đạo mới thành lập khoảng những năm ba mươi của thế kỷ XX ở miền Nam Việt Nam. Tuy xuất hiện muộn, nhưng chỉ trong vòng hơn chục năm, đạo đã thu hút nhanh chóng gần ba triệu tín đồ, trong khi dân số thời đó khoảng 20 triệu dân. So với các giáo phái sinh ra cùng thời, đạo Cao Đài là đạo phát triển nhanh nhất, thành công nhất vì được đông đảo trí thức Nam Bộ tham gia.
Sự hiện diện của Victor Hugo hiện còn là điều bí ẩn, mang tính chất huyền bí đối với mọi người, ngay cả đối với đại đa số tín đồ Cao Đài. Trên thế giới hàng năm, đặc biệt ở Pháp, thường tổ chức hội nghị về nhà văn vĩ đại này, nhưng không ai biết ở Tây Ninh một tôn giáo mới đã phong thánh cho ông.
Việc dùng nhân vật nổi tiếng trong lịch sử văn hóa Pháp như Chateaubriand, La Fontaine, Jeanne d’Arc, hay những nhân vật chính trị như Aristide Briand được coi như một cái mẹo hay một chiến lược của các nhà sáng lập đạo Cao Đài, tránh sự phản đối của chính quyền thực dân thời đó. Các nhà chức sắc Cao Đài đã không giải thích cho các tín đồ. Tất cả trở nên bí ẩn, khó hiểu đối với thế hệ sau. Tài liệu để phục vụ tìm hiểu đạo rất hiếm và khó tìm. Một phần tư liệu bị mất do sự thay đổi thể chế chính trị nhiều lần, và một phần người viết không phải là một tín đồ Cao Đài. Những cuộc đối thoại, phỏng vấn trong những lần gặp gỡ các nhà chức sắc Cao Đài bị hạn chế. Thừa sử Lê Quang Tấn thừa nhận tài liệu bị đốt đi rất nhiều sau một lần có sự cố chính trị. Các buổi cơ bút không còn được tổ chức, nên người viết không có duyên được tham dự. Đại đa số thông linh điệp của Victor Hugo đều chủ yếu ghi ở Campuchia, nhưng cuộc đảo chính tháng 3 năm 1970, người Xiêm gốc Việt buộc phải bỏ chạy về Việt Nam tị nạn, hầu như tư liệu bị đốt. Sau 1975, do trước đó đạo Cao Đài tham gia chính trị, tổ chức quân đội riêng, nên tài liệu một lần nữa bị thất tán. Sách giới thiệu về đạo Cao Đài rất sơ sài và không nói được lý do hình thành đạo cũng như việc phong thánh nhà văn Victor Hugo.
Cuốn sách này ra đời nhằm giúp bạn đọc hiểu được nguyên nhân sự phong thánh nhà văn thiên tài này, và một phần sự phát sinh đạo Cao Đài ở Việt Nam.