Căn cứ vào những tài liệu tản mạn thu thập được, sách trình bày một cách phổ quát nội dung Đạo Học, lồng trong khung bố cục của Tứ Diệu Đế Phật Giáo. Sự vật hóa thân, biến tướng, tinh khôi, mới lạ trong từng thời điểm. Điều vừa nhận định, ghi chép xong đã lập tức trở thành lỗi thời, lạc hậu, phi thực rồi. Vì vậy, Đạo thì không thể nghĩ bàn, luận giải, diễn đạt bằng phương tiện tư tưởng, ngôn ngữ, văn tự. Muốn lãnh hội được cái bao la, thâm thúy, vi diệu của Đạo, chúng ta phải thực hành, thân chứng, thể nghiệm, sống làm một với Đạo. Do đó, khi trình bày về Đạo, sách này đã mặc nhiên hàm chứa những sai sót, bất toàn, bất cập... Cả soạn giả lẫn độc giả đều chưa là người Đạt Đạo. Bậc Đạt Đạo không diễn giải cũng không tìm đọc: Chúng ta chỉ là những người sơ cơ đang trên con đường tìm Đạo, học Đạo để thể hiện Đạo ngay trong cuộc sống này.
Học để trở về với Đạo phải là một hành động tự nguyện, kiên trì và sẵn sàng rời bỏ những gì đã và đang đạt được. Vì Đạo Học là con đường dẫn ta đến quyết định buông bỏ, tận triệt mọi biến chấp, sống tự nhiên, trọn vẹn cái hiện tiền.
Đạo Học trình bày khái quát những kiến giải sâu sắc, thâm thúy từ Đông Tây kim cổ để phác họa một lộ trình tìm lại chính mình, một cách giải thoát con người khỏi tất cả mọi hệ lụy, phiền não.