Hiếu hạnh vừa là đức tính vừa là nhân cách của người Việt Nam, dành tôn kính các bậc sinh thành và gia tiên, Không một người Việt Nam nào có lương tâm và tri thức lại đối xử bạc ác vô ân đối với cha mẹ, ông bà. Hiếu hạnh là vốn liếng ở đời tạo ra âm đức, thu phục nhân tâm, nhờ đó người ta thướng nhận được trợ giúp của mọi người xung quanh để tiến bước thành đạt trong cuộc sống đầy nhân nghĩa.
Vì hiếu hạnh là căn bản của giáo dục truyền thống trong dân gian, không một gia đình Việt Nam nào thờ ơ trong việc giáo huấn, khuyến khích con cháu ăn ở, đối xử phải lẽ với những người trên trước. Hiếu hạnh cũng là những bài học sơ cấp về giáo dục làm người vốn luôn được chú trọng giáo huấn tại trường lớp xưa. Ông Cao Văn Cang, người có kinh nghiệm về giáo dục con người, đã nhìn thấy rõ mức độ biến thái trong xã hội và trăn trở về lòng hiếu đạo của tuổi trẻ ngày nay, sau khi đọc những tác phẩm có chủ đề giáo dục truyền thống trong gia đình của tôi, ông tâm đắc và phấn kích gợi ý với tôi, muốn viết một cuốn sách về vấn đề này.
Xưa nay, tôi có một nguyên tắc làm việc; "Tự mình chứng tỏ khả năng". Tôi nói với ông Cang điều này và cho biết từ trước tới giờ, không có một cuốn sách nào tôi viết lại nhờ người đề tựa hay giới thiệu, bất cứ ở đâu, và tôi cũng không đề tựa, giới thiệu cho ai. Nhưng ở đây, bây giờ tôi phá "tảng băng" ấy, với việc đề tựa và nhuận sắc cho sách này.
Bởi lẽ hiếu hạnh rất tối cần thiết cho các thế hệ sau này và ông Cang là một nhà giáo dục thiện tâm, thiện chí, về hưu rồi mà vẫn chưa chịu "ngồi chơi xơi nước", lại tiếp tục tìm lối ngõ cho việc giáo huấn cộng đồng.