Vũ Thế Ngọc dịch sang tiếng Việt và tiếng Anh từ văn bản cổ mới tìm thấy trong mộ cổ đời Hán tại Mã Vương Đôi, Trường Sa, Hà Nam. Sách in cả 3 thứ tiếng Hán – Việt – Anh.
Đạo Đức Kinh gồm 81 chương, nhưng chỉ cô đọng 5.000 từ, đã có từ hơn 2.500 năm. Từ trước đến giờ người ta chỉ có bản văn cổ nhất được khắc trên núi đá năm 708. Đến cuối năm 1973, giới khảo cổ Trung Quốc khai quật được ngôi mộ cổ của Thái thú Trường Sa thời Hán ở thôn Mã Vương Đôi, Hà Nam, được chôn từ năm 168 trước công nguyên.
Ngôi mộ cổ còn giữ gần như nguyên trạng 51 tài liệu cổ viết trên lụa và thẻ tre, trong đó có 2 bản Đạo Đức Kinh. Dịch giả Vũ Thế Ngọc dùng cả 2 bản sách cổ này (gồm 81 chương nhưng không có đề tựa và chương, hồi như các bản khắc sau này) để dịch ra tiếng Việt và tiếng Anh. Phần chữ Hán in nguyên bản và kèm theo bảng phiên âm Việt - Hán.
TS Vũ Thế Ngọc trước 1975 học triết học, Văn học và Khoa học xã hội ở Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn. Sau sang Mỹ học tiếp, tốt nghiệp Cao học xã hội, Tiến sĩ Nhân chủng học và tiến sĩ Kinh tế, Đại học California Santa Barbara. Ông là tác giả của hàng loạt tác phẩm triết học Đông Phương – đặc biệt là nhiều tác phẩm viết về Lão tử và Đạo Đức Kinh.
Theo lời dịch giả, ông dịch Đạo Đức Kinh ra cả hai thứ tiếng Việt và Anh với mục đích để người đọc bỏ thói quen đọc theo lời chú giải dông dài mà nên đọc thẳng vào chính văn. Vì vậy bản dịch này rất ít chú giải. Đạo Đức Kinh nguyên bản rất súc tích, như là một tập thơ với các câu thơ ngắn gọn, đơn giản, nhưng thâm sâu, ẩn dụ để người đọc tự cảm nhận các tư tưởng sâu sắc của bậc thánh nhân.
Lão Tử Đạo Đức Kinh có lẽ là tác phẩm ngắn nhất mà có ảnh hưởng to lớn nhất trong lịch sử văn hóa Phương Đông. Ngày nay, Đạo Đức Kinh đã được các giới trí thức phương Tây tìm đọc. Chỉ riêng phần Anh ngữ đã có hơn 60 bản dịch khác nhau. Riêng bản dịch này của tiến sĩ Vũ Thế Ngọc với một phong cách mới mẻ, thú vị, dễ đọc, nhất là đối với các bạn trí thức trẻ.