Người ta nói, sách bán chạy trong một năm là "tiếng vang", ba năm là "hiện tượng", mười năm là "hiện tượng xã hội", ba mươi năm thì thành "hiện tượng lịch sử". Với Lưu Dung, từ "Lời Nhỏ Bên Song", "Một Ngọn Lửa Lòng", bộ ba "Vượt Qua Bản Thân - Sáng Tạo Bản Thân - Khẳng Định Bản Thân", cho đến "Cha Mẹ Muốn Níu, Con Muốn Đi", "Nhân Sinh Phiêu Bạt, hầu như cuốn sách nào của ông vừa xuất bản cũng trở thành "hiện tượng" ở Đài Loan và Trung Quốc.
Ngày nay, nếu hỏi người Đài Loan, ai là nhà văn tiêu biểu của họ, phần lớn câu trả lời sẽ là: Lưu Dung, là nhà văn đồng hành với thế hệ thanh niên Đài Loan thập kỉ 70, 80 của thế kỉ trước, đến nay, Lưu Dung vẫn là người dẫn đường đầy tin cậy cho thế hệ mới lớn. Nói không ngoa, Lưu Dung là một phần của văn hóa Đài Loan đương đại!
Vì sao tác phẩm của ông được bạn đọc nồng nhiệt đón nhận trong suốt nhiều năm như vậy? Lưu Dung "tiết lộ bí quyết" trong một cuộc trả lời phỏng vấn "Người đọc cần gì? Họ cần anh kể chuyện một ít, tâm tình một ít. Cũng như chuyện mặc - xưa kia người ta thích mớ ba mớ bảy, xanh đỏ tím vàng, nếu không người khác lại tưởng mình không có tiền. Còn ngày nay, nhiều người mặc quần bò, thậm chí quần bò sờn rách. Vì sao vậy? Vì phong cách, vì cá tính, cũng không ai chê anh mặc quần bò là nghèo. Văn chương chất phác cũng như vậy.".
Trong hàng chục cuốn sách đã xuất bản của Lưu Dung, "Nhân Sinh Phiêu Bạt" chiếm một vị trí quan trọng. Cuốn sách ra đời trong bối cảnh Đài Loan đang từ xã hội nông nghiệp chuyển mình mạnh mẽ sang xã hội công nghiệp, kéo theo những biến đổi "tạo ra một xã hội xa hoa mà không cách gì cải thiện môi trường sống. Nhiều người chỉ biết theo đuổi lợi ích cá nhân mà không để ý đến lợi ích cộng đồng...". Lúc này, dù đã là "Đài Kiều" định cư ở Mĩ, Lưu Dung vẫn quan tâm đến đời sống xã hội ở quê nhà. Từ những trang viết mà qua đó Lưu Dung mô tả và chỉ ra sâu sắc gốc rễ "căn bệnh thời đại" của Đài Loan, chắc chắn người đọc không khỏi liên tưởng đến căn bệnh tương tự ở nước ta hiện nay. Một chủ đề khác của "Nhân Sinh Phiêu Bạt" là những chiêm nghiệm về thân phận con người; về sự sống, cái chết,... cả dưới góc độ xã hội và tâm linh.
Tuy nhiên, phần "độc đáo" nhất của cuốn sách có lẽ lại là ba chương cuối do Lưu Hiên viết. Lần đầu tiên, người đọc có cơ hội hiểu tường tận về đời thường của nhà văn mà mình yêu thích, qua lời kể của con trai ông. Không chỉ là nhà giáo dục trên sách vở, trong đời thực, Lưu Dung đúng là người thầy, người bạn của con - vừa mẫu mực, vừa bình đẳng. Cũng ở ba chương này, người đọc được nghe kể rất nhiều điều thú vị về nền giáo dục Mỹ - vì sao ở đất nước phồn vinh đó, trường "điểm" lại thường là những ngôi trường "rách nát"; học sinh Mỹ có thái độ ra sao trước những vấn đề nhạy cảm như ma túy, tình dục, và họ đã trải qua tuổi "nổi loạn" như thế nào trước khi thật sự trưởng thành... Giọng văn trẻ trung, lối kể chuyện hài hước, cộng với khiếu quan sát sắc bén của Lưu Hiên đã làm nên những trang viết không hề kém phần chuyên nghiệp bên cạnh những trang viết của cha mình.