Cánh bướm kimono, một cuốn sách non-fiction đột phát, với những câu chuyện “thật như nước mắt” đã xóa tan huyền thoại về người phụ nữ Nhật Bản dễ bảo, bẽn lẽn, e lệ. Thay vào đó là những phụ nữ độc lập, mạnh mẽ, gợi tình, ý thức được nhu cầu tình dục của bản thân… đang cố gắng khẳng định giá trị và chỗ đứng của mình trong một xã hội nam quyền.
Ai muốn làm phụ nữ Nhật Bản? Sự cơ cực chưa chắc tồi tệ hơn những cuộc hôn nhân nhạt nhẽo, không tình dục; sự cô đơn, nỗi khổ tâm, cam chịu… mà những người phụ nữ trong cuốn sách này đã trải qua. Những người phụ nữ bình thường đó, và một người đàn ông hơi khác biệt, kể thật những câu chuyện của mình và buộc người ta phải xem xét lại xã hội Nhật Bản đương thời và những căn bệnh của nó.
Sumie Kawakami, một nhà báo thông minh và giàu kinh nghiệm đã tìm mọi cách để những nhân vật của mình bộc lộ những nỗi lòng sâu kín, những day dứt khôn nguôi… và kể lại câu chuyện của họ trong một cuốn sách khó ai có thể gấp lại nửa chừng.
Ngay từ đầu, tác giả gây sự chú ý của chúng ta với một nghịch lý: Nhật Bản có một nền công nghiệp tình dục hàng đầu thế giới nhưng phần lớn người Nhật lại chẳng mấy khi làm “chuyện đó”- ít ra là theo cuộc khảo sát của Durex. Và những người “siêng năng” thì không được say đắm, nhiệt tình cho lắm: tỉ lệ hài lòng với đời sống tình dục của người Nhật Bản đứng áp chót, chỉ trên người Trung Quốc.
Hôn nhân không tình dục là tình trạng ngày càng gia tăng, hẳn là vì quá nhiều cản trở. Những bà nội trợ khát tình và nữ nhân viên văn phòng “ham hố” chỉ là sản phẩm của phương tiện truyền thồng; vì hầu hết phụ nữ, Kawakami viết “chỉ muốn được bạn tình lấp đầy sự cô đơn, trống rỗng và thiếu tự tin của mình”. Rõ ràng, đó là một “nhiệm vụ bất khả thi” đối với đàn ông Nhật Bản.
Tìm thấy một bạn tình phù hợp không dễ, nhưng chúng ta biết được rằng ít ra phụ nữ có thể tìm thấy cho mình một trung tâm trị liệu tình dục có thể giới thiệu cho họ những tình nguyện viên để hẹn hò và ân ái. Phụ nữ có thể chọn tình nguyện viên từ một catalog có rất nhiều chi tiết, và kích cỡ, dường như cũng là một vấn đề. Khách hàng nói rằng họ vui sướng với dịch vụ này này, trong khi không thiếu những đàn ông muốn làm người tình nguyện; tiền bạc không hẳn là tất cả.
Tác giả cũng tiết lộ đôi chút về cuộc đời mình: “Đã bị chồng cũ phản bội nhiều lần, nhưng tôi không thể thông cảm với những người vợ hưởng thụ cuộc sống xa hoa mà chẳng làm gì, dành phần lớn thời gian trong tiệm nail, những trung tâm mua sắm xa hoa, những quán cà phê sang trọng, và chung chạ với những gã đàn ông khác trong khi ông chồng phải nai lưng ra cày để duy trì lối sống tốn kém mà họ đã quen”
Nhưng tại sao phụ nữ cam chịu những gã tồi tệ? Sau khi nghe kể về những đàn ông lừa dối, trăng hoa trong cuộc đời của những phụ nữ này, chúng ta lấy làm ngạc nhiên với những gì họ đã chịu đựng. Họ nhẫn nhục thích nghi, quả thật là vậy, và chỉ biết yêu cầu người đàn ông của mình kín đáo hơn với chuyện lăng nhăng tình ái.
Emi, giàu có và xinh đẹp, từ lâu đã không ân ái với chồng vì sợ bị lây bệnh qua đường tình dục, nhưng vẫn duy trì cuộc hôn nhân trống rỗng, vì những đứa con.
Misa thú nhận rằng, cô ước gì ả tình nhân của chồng mình là một cô gái trẻ hơn nhiều hay ít ra thì cũng là người hoạt động trong ngành giải trí tình dục. “Nhưng tôi không thể chịu nỗi sự thật rằng cô ta cũng bằng tuổi của mình và cũng chẳng phải là dân pro trong chuyện ăn chơi”. Và đang trong độ tuổi xuân thì, cô đã ký tên mình một cuộc hôn nhân không tình dục, lê bước chán chường cả cuộc đời còn lại với người đàn ông mình không còn yêu nữa.
Và qua quyển sách này, chúng ta cũng biết được nguyên nhân tại sao người Nhật, khi giải quyết những vấn đề cá nhân, thường thích tìm đến thầy bói thay vì chuyên gia tâm lý. Kawakami viết: “Nếu bạn nói mình sắp đi trị liệu tâm lý, nghe có vẻ như bạn có vấn đề về thần kinh. Nhưng nếu bạn đi coi bói hay tham gia một buổi lễ thanh tẩy, thì đó là chuyện hết sức bình thường”. Và nếu cần tìm thấy một lý do “chắc bắp” để đá một gã đàn ông dớ dẩn ra khỏi cuộc đời mình, không có gì tốt hơn là số phận!!!
Và còn có sự hối lỗi của một người nội trợ đã trót tìm thấy sự khuây khỏa với ông thầy dạy trường luyện thi nơi con gái mình theo học trong khi người chồng chỉ biết quan tâm đến công việc của một nhà báo truyền hình.
Và, cuộc sống của một “tình nguyện viên tình dục”, chuyên giúp phụ nữ đạt được cực khoái, sẽ như thế nào? Mỉa mai thay, Hideo có một cuộc hôn nhân không tình dục nhưng tìm thấy sự mãn nguyện tâm lý khi giúp những người phụ nữ đang ngày càng héo hon, tàn úa… Anh ta nói những người phụ nữ đó đã sung sướng và nói rằng rằng sex khiến họ cảm thấy trẻ lại…
Một phụ nữ khác thú nhận rằng, trong vòng sáu tháng, cô đã ngủ với bảy “tình nguyện viên” dù rằng không yêu nhưng cô vẫn còn ham muốn chuyện đó. Tuy nhiên, hy vọng của cô là, “Muốn tìm một người đàn ông chỉ yêu mỗi mình tôi. … không muốn tiếp tục làm một phụ nữ chỉ có mối quan hệ với đàn ông thông qua tình dục”.
Mitsuko, vẫn còn trinh nữ ở cái tuổi 52, phải làm việc cực nhọc và chăm sóc mẹ già, không thể tìm được một người đàn ông phù hợp cho đến khi phải “mồi chài” một khách hàng – bệnh nhân của mình. Yukio, chàng tình nhân trẻ tuổi hơn, “bảo rằng anh ấy thích ôm ấp một phụ nữ mũm mĩm, có bộ ngực to”. Chẳng bao lâu, từ câu chuyện thì thầm bên gối đã dẫn đến một cuộc hôn nhân. Nhưng hạnh phúc chẳng kéo dài được bao lâu, khi hóa ra đấng mày râu này mắc phải một thứ mặc cảm tâm lý kiểu như “chỉ muốn mãi bé bỏng trong vòng tay của mẹ”, quyết định “trở về mái nhà xưa”- nơi anh ta được bà mẹ nuông chiều theo cái cách mà một người phụ nữ của công việc như Mitsuko không thể làm được.
Những bài học ở đây? Tìm một người đàn ông tốt không dễ nhưng để tống khứ một gã đàn ông tệ ra khỏi đời mình còn khó khăn hơn thế rất nhiều.
Bài tóm tắt nội dung qua cái nhìn của một phụ nữ dường như đượm vẻ bi quan. Tất cả chỉ là những mảnh ghép u ám thấm đẫm tiếng thở dài và nước mắt?
Không! Đã dĩ vãng rồi những Madame Butterly (Điệp phu nhân) chỉ biết hy sinh cho tình yêu và bổn phận, đối phó với sự phản bội của người đàn ông mình yêu bằng thanh dao bảo toàn danh dự!
Goodbye Madame Butterfly!
Goodbye forever Madame Butterfly!
Đâu đó trên những chiếc áo kimomo, biểu tượng cho những giá trị truyền thống của phụ nữ trong một xã hội nam quyền, đã bay lên những cánh bướm lấp lánh sắc màu tươi sáng của sự chuyển hóa, giải thoát… Để sống nhiều hơn, ý nghĩa và trọn vẹn hơn cuộc đời hữu hạn của mình…
Bay lên đi, hỡi những cánh bướm kimono, nước mắt đã khô, cái giá lạnh vẫn còn nhưng hoa anh đào đã chớm nở, hãy còn đó những mùa xuân cuộc đời lấp lánh tươi vui….
Cánh bướm kimono, một cuốn sách non-fiction đột phát, với những câu chuyện “thật như nước mắt” đã xóa tan huyền thoại về người phụ nữ Nhật Bản dễ bảo, bẽn lẽn, e lệ. Thay vào đó là những phụ nữ độc lập, mạnh mẽ, gợi tình, ý thức được nhu cầu tình dục của bản thân… đang cố gắng khẳng định giá trị và chỗ đứng của mình trong một xã hội nam quyền.
Hẳn rằng, rất nhiều phụ nữ Việt Nam cũng tìm thấy hình ảnh của mình qua những câu chuyện đó. Tìm thấy để được sẻ chia, an ủi, động viên trên con đường chuyển hóa – giải thoát để tìm thấy cho mình một cuộc sống trọn vẹn và ý nghĩa hơn với những giá trị cần phải được khẳng định của chính bản thân mình!