Khi Một Mùa Thơ Dại được đăng trên tờ Bungei Kurabu gây được tiếng vang lớn, đến bậc đàn anh Mori Ogai cũng không tiếc lời khen ngợi là tình yêu thơ dại. Chính trong Một Mùa Thơ Dại, Ichiyo trẻ trung và thầm lặng bước lên đài cao thiên tài. Một thiên tài với tuổi xuân vĩnh cửu vì cô chỉ sống được 24 năm tươi đẹp nhất của cuộc đời.
Công ty CP Văn Hóa Phương Nam xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc tuyển tập 4 truyện ngắn của nữ tác giả lừng danh này: Anh đào đêm, Đêm mười ba, Khe nước đục, Một mùa thơ dại.
Một Mùa Thơ Dại (Takekurabe) có nghĩa đen là “so sánh chiều cao”, bắt nguồn từ tác phẩm cô điển Truyện Ise, trong đó có đôi trai gái hồi tưởng về thời niên thiếu lớn lên bên nhau và đánh dấu chiều cao trên thành giếng nước. Câu chuyện của Ichiyo không diễn ra bên bờ giếng nước mà ở khu phố ăn chơi Yoshiwara.
Thế giới của Một Mùa Thơ Dại đầy ắp những chân dung rất sống động, khó quên với tình yêu thơ dại. Thế giới của cô bé Midori xinh đẹp, em gái của một kỹ nữ nổi tiếng và cậu bé Nobu hiền lành lặng lẽ, con trai của một nhà sư phàm tục. Bên cạnh đó còn có những đứa trẻ khác như Shota ở cửa hiệu cầm đồ, Sangoro con trai người phu kéo xe, Chokichi con trai đội trường cứu hỏa…Chúng lần lượt đánh mất tuổi thơ của mình, leo lên bờ dốc của sự trưởng thành mà chấp nhận định mệnh, không có sự lựa chọn và không có quyền lựa chọn.
Rồi đến cái ngày Midori vấn cao mái tóc theo phong cách Shimada của một thiếu nữ và nàng biết mình sẽ phải đi theo con đường của người chị, làm kỹ nữ. Và Nobu cô đơn, xa lạ ngay giữa gia đình, giữa khu phố, giữa thời đại. Cái khu phố Yoshiwara đầy náo động, bạo lực và trụy lạc vây bọc tuổi thơ của Nobu, ném cậu vào đó mà không cần biết cậu có chấp nhận hay không.
Tác phẩm kết thúc vào lúc Nobu, trước ngày khoác áo tu, để lại một đóa hoa thủy tiên vàng bằng giấy nơi thềm nhà Midori như một tình yêu bị tước đoạt. “Một buổi mai mờ sương, ai đó đã để lại một đóa thủy tiên giấy trên thềm nhà nàng. Không có lời nhắn nào trong hoa, nhưng Midori vẫn đem đặt nó vào bình, ngắm nhìn trìu mến, nàng thấy nó không hoàn hảo chút nào tuy phảng phất buồn, trong dáng vẻ khô lạnh và cô đơn. Và rồi không biết từ đâu nàng nghe rằng sau ngày đó Nobu vào một tự viện, mặc lấy chiếc áo đen”.
Về tác giả
Nữ sỹ Higuchi lchiyo (1872-1896) - tên thật là Higuchi Natsu, sinh ngày 02/5/1872, tại Tokyo trong một gia đình có năm anh chị em. Trong đó người em gái út nhỏ hơn hai tuổi, Kukiko là người góp nhiều công sức trong quá trình hoạt động văn đàn ngắn ngủi của lchiyo. Hai mươi tuổi, Natsu khởi nghiệp với bút danh lchiyo (Nhất Diệp), lấy cảm hứng từ điển cố Tổ Bồ Đề Đạt Ma từ phương Tây đáp trên một chiếc lá vượt qua sóng nước.
Bà đăng đàn với tác phẩm đầu tay Anh đào đêm (Yamizakura) trên số đầu tiên của tạp chí Musashino. Tháng 1 năm 1895 tác phẩm tiêu biểu nhất Một mùa thơ dại (Takekurabe) ra đời. Sau đó là hàng loạt truyện ngấn như Đêm mười ba (Jusanya), Khe nước đục (Nigorie) tạo nên "14 tháng kỳ tích" mà người đời hay nói về sự nghiệp văn chương của Higuchi lchiyo.