Sơ lược về tác phẩm:
Thân thương như tên gọi "Bánh trái mùa xưa" đầy ắp cảm xúc và những lời thủ thỉ. Tác giả kể về đầm, về đất, về nhà, về sông, về gió... nhưng trong tất cả những thứ được gọi bằng tên đó, có nhiều thứ không thể gọi bằng tên. Bởi nó là tình yêu, là kỉ niệm, là những thứ vô hình không thể nắm bắt được.
Đôi khi đằm đằm, đôi khi cà tửng với lối viết kiểu đặc trưng người vui tính mà thâm sâu Nam bộ. Đọc tản văn của Nguyễn Ngọc Tư như đang được sống lại với chính mình và những nơi "nhớ đầy". Bởi đọc văn Nguyễn Ngọc Tư, chúng ta như bắt gặp một tâm hồn nhạy cảm bay trong không gian nhạy cảm. Tản văn của Nguyễn Ngọc Tư bồng bềnh nhưng chân thật. Mọi thứ trong tản văn "Bánh trái mùa xưa" đều có thể sờ được, thấy được, ngửi thấy, nghe được vă ăn được. Như tình yêu, như đời sống. Đơn giản và tình người đậu khắp trên các trang văn của chị... Đọc "Bánh trái mùa thu" để được trải lòng mình với không gian của một góc nhỏ miền Tây hiền hòa, mộc mạc. Nguyễn Ngọc Tư trải lòng trong cái góc nhỏ miền Tây đã nuôi dưỡng tâm hồn chị. Góc nhỏ ấy có tấm lưng ông ngoại, có căn nhà chất đầy những món đồ hoài cổ, có mái hiên của bà cụ hiền như bà nội, có những chiếc bánh thảo thơm đồng bãi,... Cứ thế miền Tây hiện ra gần gũi tưởng như có thể chạm tới để cảm nhận cách sống, con người phóng khoáng nơi sông nước chứa chan tình cảm. Nhưng Bánh Trái Mùa Xưa rất buồn. Buồn vì những gì đã mất đi không bao giờ còn có thể lấy lại. Buồn vì cuộc sống hiện đại chà mòn những vẻ đẹp đơn sơ thấm đẫm tình người. Buồn vì giá trị vật chất đang lấy đi những hoài niệm. Để từ đó mỗi chúng ta thêm đồng cảm, thêm yêu thương mà Nguyễn Ngọc Tư đã trăn trở qua từng trang viết của chị.
Sơ lược về tác giả:
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976 tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Tác phẩm nổi tiếng nhất của chị là tác phẩm "Cánh đồng bất tận", đã nhận được Giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm 2006. Với những tác phẳm của mình, cô đã đạt được nhiều giải thưởng.