Những cuộc phỏng vấn mà Phong Điệp thực hiện thực ra là những cuộc trò chuyện văn chương. Mà đã là trò chuyện thì tính chất khơi gợi nhiều hơn là hỏi - đáp. Tôi cảm giác, Phong Điệp luôn để nhân vật có một tâm thế thoải mái nhất khi chia sẻ về mình, về nghề, bộc bạch những suy nghĩ của họ một cách tự nhiên nhất. Nếu phải hình ảnh hóa cách làm việc của Phong Điệp trong các cuộc trò chuyện văn chương, tôi luôn hình dung đến một nghệ nhân chơi diều. Chị luôn đẩy nhân vật bay hết tầm, chỉ nhẹ nhàng đứng giữ dây không để con diều bị gió kéo đi lạc đường nhưng luôn khích lệ nó bay ở biên độ cao nhất, xa nhất. Điều khiển sợi dây ấy như thế nào cũng là cả một nghệ thuật, giật mạnh quá khiến “diều” giật mình cũng hỏng, mà thả lỏng tay quá để “diều” bay cao mất khả năng kiểm soát cũng hỏng. May thay, tất cả những buông bắt, níu thả ấy đã được bàn tay nghệ nhân của Điệp thực hiện uyển chuyến nhẹ nhàng.
Nguyễn Xuân Thủy
*****
Tôi và Phong Điệp đều sinh năm 1976. Khi tôi còn đang mò mẫm trong “đường hầm tối” của số phận, cặm cụi kiếm từng con chữ trong căn phòng 10 mét vuông ở một làng nhỏ, Phong Điệp đã bắt đầu được biết đến như một cây bút trẻ đầy triển vọng. Tôi đọc Phong Điệp, thấy ưng cô ở cách khai thác những vấn đề xã hội, nhân sinh, và ưa những kết truyện bao dung, ấm áp của cô. Sau này thật không ngờ, tôi lại ra nhập giới lao động văn chương và chúng tôi có không ít cơ hội đối thoại với nhau.
Tôi có thể nói rằng trong các cuộc đối thoại giữa tôi và Phong Điệp chúng tôi là những nhà văn trẻ ưa sự thẳng thắn. Cả hai chúng tôi đều là những người nói sau khi đã làm và không có ý định chiếm mặt báo cho sự tán dương nhạt nhẽo và những chuyện vô bổ. Mỗi khi Phong Điệp mở đầu một cuộc phỏng vấn tôi đều bảo cô: “Nếu cậu nghĩ được câu hỏi hay, câu hỏi mới thì cậu hãy phỏng vấn nhé”. Kết quả là tôi luôn nhận được những câu hỏi thẳng thắn và gai góc. Chẳng hạn, khi cuốn tự truyện “Không gục ngã” của tôi ra đời, được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt, phỏng vấn tôi về tác phẩm này, Phong Điệp hỏi: “Liệu có điều gì/ sự thật nào chị phải né tránh trong quá trình viết cuốn tự truyện này?”. Đằng sau câu hỏi của Điệp tôi cảm thấy có một lời nhắc nhở: “Chị phải tự chịu trách nhiệm về tuyên bố của mình đấy nhé”. Và tôi quyết định trả lời câu hỏi này đúng như sự thật yêu cầu. Thỉnh thoảng, với báo chí, tôi thấy mình bị làm phiền, nhưng với Phong Điệp, hơn một lần tôi phải cảm ơn cô đã cho tôi cơ hội bày tỏ quan điểm, cảm giác của mình về cách nhìn thiếu công bằng đối với những thành công của những người khuyết tật làm nghệ thuật. Hơn bất cứ lĩnh vực nào, lĩnh vực nghệ thuật không phân biệt người bình thường hay người khuyết tật, và không có sự châm trước hay sự cộng thêm điểm vì hoàn cảnh, mà chỉ tài năng và sự lao động miệt mài mới có thể thực sự cất lên tiếng nói đích thực.
Cũng cần phải nói rằng có duyên mới ngồi được với nhau, và phải có sự quan tâm, thấu hiểu và tương đồng nhất định người ta mới có đủ hứng thú để dõi theo nhau trên những chặng đường dài và gian nan của cuộc sống. Tôi và Phong Điệp vẫn để ngỏ cho nhau những cơ hội đối thoại mới.
Thực ra, chúng tôi luôn luôn có cơ hội đối thoại với nhau qua những tác phẩm văn chương của mỗi người. Cả khi viết và khi ngồi đối thoại với nhau chúng tôi đều có những mối quan tâm chung về xã hội, về cuộc sống, về số phận của những người trẻ, những người phụ nữ cầm bút của thời đại này, ở đất nước chúng ta. Chúng tôi trăn trở nhiều hơn tự hào. Và nếu có điều gì đó để nói về bản thân, chúng tôi chỉ dám nói rằng mình là những người trẻ lao động một cách chăm chỉ và nghiêm túc trên cánh đồng văn chương và không tự huyễn hoặc về những mùa màng không thuộc về mình.
Nguyễn Bích Lan