Sự biến chuyển từ một đô thị phong kiến cổ sang một thành phố cận và hiện đại như Hà Nội thế kỷ XX, biểu hiện ở nhiều mặt trong kiến trúc. Bên cạnh khu phố cổ là các khu hành chính, khu phố dân sự mới với biệt thự và sân vườn, một công nghệ đi kèm xây dựng mới là các cửa sắt, ban công sắt và gỗ, cùng nhiều trang trí kiến trúc. Đó là một lĩnh vực chưa được khảo cứu ở Việt Nam, đặc biệt ở Hà Nội, nơi phong cách kiến trúc thuộc địa có cơ hội phát triển. Cái tên đó thật không hay mà có thể nói chính xác hơn là phong cách kiến trúc phương Tây ở các nước thuộc địa, nền kiến trúc đó đòi hỏi nhiều công nghệ đem sang từ phương Tây, cũng như được thực hiện ở Việt Nam, trong nền văn hóa Việt Nam.
Các cửa sắt, ban công và trang trí kiến trúc sắt rèn, gò vừa có tác dụng làm cổng cửa và trang hoàng cho ngôi nhà, vừa nói lên ý tưởng sinh sống của chủ nhân với những mô tip theo kiểu phương Đông hay phương Tây. Công nghệ rèn sắt từng có ở vài sắc tộc ở Việt Nam, tất nhiên công nghệ rèn của người Việt cổ cũng có vai trò đáng kể trong việc sản xuất công cụ lao động và chút ít đồ dùng. Khi các mẫu hình phương Tây và yêu cầu của kiến trúc mới ra đời, nghề rèn song sắt cho các cổng cửa công sở, nhà ở hiện đại Hà Nội đã ghi những dấu ấn thẩm mỹ đặc sắc lên bộ mặt thành phố.
Là một họa sỹ, nhà nghiên cứu có chí hướng, Trần Hậu Yên Thế từng xuất bản cuốn Dịch đồ - Cách tiếp cận từ thị giác khi mới tốt nghiệp đại học Mỹ thuật, cuốn Đồ án trang trí mỹ thuật ở đền vua Đinh vua Lê, (viết chung) năm 2012, năm nay ông cho ra đời tiếp cuốn Song xưa phố cũ khảo cứu về công nghệ và những tấm cửa sắt, trang trí kiến trúc sắt ở Hà Nội. Cuốn sách này lời lẽ không nhiều, nhưng cung cấp những tư liệu khá đầy đủ về tiến trình nghề rèn song sắt ở phương Tây và thế giới nói chung, khi được đưa vào Việt Nam và phần lớn được những người thợ rèn Việt Nam thực hiện. Số lượng khoảng 365 hình vẽ chiếm phần lớn số trang sách cho thấy những năm tháng ghi chép, vẽ nghiên cứu công phu của Trần Hậu Yên Thế. Song xưa phố cũ đi chuyên vào một lĩnh vực hẹp, nhưng cũng kịp thời trước khi những giá trị văn hóa Đông Tây nằm trên song sắt có thể ngày nào đó biến mất vĩnh viễn, hoặc chui vào nồi nấu thép vụn.
Chắc chắn, mỗi người trong chúng ta từng sống trong một ngôi nhà có cửa giả, song sắt, mà không để ý đến cái mà mình mở ra đóng vào hàng ngày có một ý nghĩa thẩm mỹ như thế nào. Chúng giới hạn không gian sống của con người ở đó, và dẫn dắt họ đi ra thế giới bên ngoài, để một ngày nào đó, chợt nhận ra cái hư vô qua từng đường nét cổ kính.