Chắt chiu phóng sự cùng Phạm Việt Thắng
Cảm giác của tôi về tay viết ghi chép - phóng sự Phạm Việt Thắng, có lẽ đậm nét hơn cả là hai từ “chắt chiu”. Chút gì tài hoa đấy, tâm huyết đấy, có nhiều sự tử tế với nhân vật và sự kiện mà mình đang xông vào đấy - song, cái mà tôi thích nhất ở Việt Thắng lại là sự chắt chiu. Tôi còn trẻ và cũng lôm côm lắm, nhưng đúng là trong nghề viết, tôi không sợ gì bằng sợ những kẻ nhẹ lòng với câu chữ mà mình viết ra. Tôi không bao giờ dám kỳ vọng gì vào cái anh chàng, cô nàng nhà báo vừa viết bài vừa dí chuột vào mục đếm chữ trên máy vi tính, “đủ cơ số” là chấm hết, thậm chí quên cả ký tên mình và chú thích ảnh ở cuối bài nữa. Việt Thắng thì khác, anh nặng lòng với người, với chữ lắm.
Nhớ mãi lần đầu tiên tôi biên tập và đăng bài của Phạm Việt Thắng trên trang phóng sự Báo Lao Động (nay anh đã là đồng nghiệp cùng cơ quan với tôi). Bấy giờ tôi phải đặt từng phóng sự, sửa chữa, rồi chọn ảnh, dò từng lỗi, theo sát bài đến tận lúc nửa đêm - khi anh cán bộ chế bản cầm phim của bài phóng sự sắp in cho số báo ngày mai giơ ra trước đèn chiếu… Tức là kỹ càng lắm. Việt Thắng gửi bài, bài thảm thương về một người vạn đò ốm yếu, phải đặt bát nhang và di ảnh của hai liệt sỹ là anh trai mình trong cái thuyền lênh đênh sông nước. Con thuyền lụp sụp, ụp trên nó là hệ thống nan tre cong cong mục nát làm mái. Ông phải rúc rúc mãi mới vào được “ngôi nhà di động” của kiếp vạn chài. Tác giả đã rất thành công khi khiến người ta phải sụt sùi và buồn bã bởi nỗi oái oăm phận người đó. Nhưng tay viết bấy giờ còn lập cập. Chi tiết chưa chặt chẽ, lập luận “trói” vấn đề bằng lời của cơ quan hữu trách chưa cao tay. Thấy cuối bài ghi rõ “Phạm Việt Thắng, lớp báo chí…” (bấy giờ anh theo học một lớp báo chí), tôi cứ ngỡ “cậu Thắng” mới cộng tác với Lao Động này là một sinh viên báo chí vừa tốt nghiệp phổ thông xong. Tôi gọi điện góp ý, nhờ “bạn Thắng” đi sửa bài, về cơ sở xác minh một cách… khổ sở. Thắng dạ dạ, vâng vâng, đi rất nhiệt tình. Lúc bài đăng, vì quá bận bịu chưa hỏi thăm riêng tư tác giả một câu, tôi vẫn cứ ngỡ thế là đi được cái bài cũng “nặng ký” cho cậu sinh viên báo chí. Cố động viên “nó” viết, bởi có vẻ “cậu bé này” cũng rất yêu nghề, viết lại có văn (!). Ai dè, lúc tôi đưa gia đình vào Cửa Lò nghỉ mát, tình cờ gặp Việt Thắng, anh ta lỏn lẻn cười: “Tớ hơn cậu chỉ có… 5 tuổi thôi".
Kể dài dòng một chút, để thấy rằng, Phạm Việt Thắng rất trong trẻo và khá đắm say với nghề viết.
Phạm Việt Thắng vào nghề muộn hơn bạn cùng trang lứa. Anh xuất thân cán bộ nhà trường. Vì thế, suy nghĩ, câu chữ, lập luận trong bài rất chắc chắn. Lại nói chuyện chắt chiu. Vào xứ Nghệ hay gặp nhau bù khú ở thủ đô, bao giờ tôi cũng thấy Việt Thắng cười toét, mắt sáng rực khoe về những đề tài “độc” mà anh vừa tìm ra. Có khi theo đoàn quy tập mộ liệt sỹ ở chiến trường Bắc Lào mênh mông, Việt Thắng đi nửa tháng giời, lăn lộn tận cùng, về viết một mạch 3-4 kỳ gửi cho anh em với vẻ hào hứng đặc biệt (Mẹ Lào đi tìm con Việt…). Có khi cheo leo mép vực với phu phá đá “Mưu sinh bên miệng tử thần”; có khi theo cán bộ kiểm lâm xách súng vào rừng để "Săn lâm tặc"; có khi đêm ngày miệt mài giữa ngập tràn tử khí của vụ đắm đò Chôm Lôm chết bao nhiêu là người mà thi thể còn vùi trong bụng nước hoặc các vụ sập mỏ đá ở Bản Vẽ, ở Lèn Cờ khiến hàng chục người bị chôn sống, nát nhừ trong thế giới đá núi bất tận của thảm họa (Bản Vẽ ngày tang tóc, Chôm Lôm - Nỗi đau thấu tới cao xanh…); có khi anh buồn bã thở dài trong một phóng sự tưởng chuyện cũ mà chưa chắc đã cũ “Năm mô lũ cũng về… Hà Tĩnh”. Tôi thích cái chắt chiu của anh cán bộ chuyển nghề Phạm Việt Thắng, khi mắt anh sáng lên khoe về một cái tít “đắc địa” cho một đề tài tưởng như rất lặt vặt đời thường mà lại gợi nhiều trăn trở quá. Và, tôi nhớ những phóng sự đó hơn. Nó Đời hơn, nó phản ánh thực trạng xã hội bằng một lăng kính rất thú vị, ít nhiều buồn bã “thế thái nhân tình”. “Dế mèn phiêu lưu… trên bàn nhậu” (chứ không phải trùng tên với kiệt tác “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài) rồi “Mùa chim én… quay” (chứ không phải bài hát có “Mùa chim én bay”!); lại nữa “Bà còng đi chợ… ống tiêm” (chứ không phải “Bà còng đi chợ trời mưa, cái tôm cái tép đi đưa bà còng”); và, “Muốn con “no” chữ thì xây lấy lều” (viết về tình trạng học trò phải tự dựng lều tranh bám quanh trường để trọ học, chứ không phải là “Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”). Tôi có cảm giác, mỗi lúc đặt được cái tít như thế cho thực trạng buồn bã kiểu bắn rụng bầu trời, bẫy hết cánh én chở mùa xuân đem đi nhậu nhoẹt túa xua như ở xứ Nghệ, Phạm Việt Thắng sẽ cười rất hào sảng, đắc ý. Nếu giữa đám đông, có thể anh ta sẽ còn vỗ đùi, nói bằng cái giọng Yên Thành một câu gì khá chua cay về thời cuộc. Thời cuộc mà con nghiện tràn lan ở khu vực cái chợ quê tiêu điều vùng Diễn Châu, Nghi Lộc, cái bà còng bán quán hàng ngày ra góc chợ nhặt ống tiêm đỏ máu HIV của cánh hút chích vứt đi, kẻo ai đó dẫm phải thì tai họa. Hóa ra, việc “lẩy” chữ đó, cái cười đó, lại chứa rất nhiều những nỗi niềm “trần ai” của một người cầm bút cả nghĩ.
Còn nhớ những ngày đại tang ở mỏ đá Lèn Cờ (khiến 18 người chết), khi tôi có mặt, Phạm Việt Thắng đã đưa hàng chục tin bài “tường thuật trực tiếp” mọi diễn biến khủng khiếp mà cả nước đang mong tin từ hiện trường đó. Thắng đưa tôi đi, cán bộ xã và bà con ai cũng nhớ anh nhà báo mang tiền (tiền của các nhà từ thiện gửi qua tòa soạn chúng tôi) vào cho dân, anh nhà báo đó lại túc trực bên các máy khoan đá rít ngày đêm khét lẹt, rợn người tìm các phần thi thể người xấu số. Phạm Việt Thắng đã khóc. Anh không chăm chú lẩy tít bài hay tìm ý tứ để chắt chiu phóng sự nữa. Anh chỉ vào những cỗ máy trị giá nhiều chục triệu đồng mà bà con đã vay tiền ngân hàng mua sắm, nay đại tang đến, đóng cửa mỏ, mênh mông lèn đá từng nuôi sống nhiều đời phu đá trong khu vực thế là “nguy hiểm chết người, không ai được đụng đến” - thế thì, bà con biết làm gì để sống? Ngân hàng vào xiết nợ, những cỗ máy nằm im lìm hoen gỉ này sẽ đưa các “nạn nhân còn sống” về đâu? Cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo và một cuộc sống đầy rủi ro. Tận mục cảnh đó, chợt tôi hiểu về một Phạm Việt Thắng khác, anh không chỉ là nhà báo. Nói thì bảo to tát, nhưng đúng là Việt Thắng đã có Tâm để biết nghĩ đến những điều mà chính những người trong cuộc còn chưa kịp nghĩ ra.
Vì thế, khi Việt Thắng hỏi tôi về cái tên cho cuốn sách này, tôi bảo: anh lấy tít cái phóng sự về những nhân viên ngành đường sắt đêm đêm đi tuần đường mà đặt. “Tôi đi đếm bước chân mình”. Phạm Việt Thắng vẫn miệt mài “đếm bước chân mình”; và anh còn rất lưu ý đếm rồi tìm cách lưu giữ cả những mảnh vỡ cảm xúc của ngòi bút đầy trách nhiệm xã hội mà mình đang chắt chiu nữa. Hãy cứ coi mấy nhóm bài in trong tập sách này là chút kỷ niệm hải hồ và đôi dòng xúc cảm trong một chặng đường làm báo nào đó của mình, Phạm Việt Thắng ạ.
Hà Nội, 6/2011
Đỗ Doãn Hoàng (Báo Lao Động)
Xin trân trọng giới thiệu!