Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố lớn nhất nước, có đặc trưng văn hóa nổi bật là sự cởi mở, giao lưu và dễ tiếp nhận các yếu tố văn hóa từ những vùng miền trong nước và từ nhiều nước khác. Sau nhiều năm đổi mới diện mạo thành phố đã có những thay đổi đáng kể, đời sống nhân dân được cải thiện tốt hơn và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân ngày càng cao. Đối với giới trẻ, bối cảnh xã hội này tạo điều kiện thuận lợi để họ có thể tiếp thu và thưởng thức những giá trị văn hóa nhân văn và tiến bộ của thế giới. Từ đó, góp phần nâng cao nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ, thị hiếu nghệ thuật của giới trẻ ngày càng đa dạng và phong phú hơn.
Hiện nay thành phố đang trong quá trình hội nhập với quốc tế trong nhiều lĩnh vực, giao lưu văn hóa diễn ra dưới nhiều hình thức, Internet và truyền thông nói chung có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức và thị hiếu thẩm mỹ của giới trẻ. Các loại hình nghệ thuật qua những phương tiện nghe nhìn hiện đại đã đáp ứng nhu cầu của giới trẻ từng ngày, từng giờ từng phút, tác động trực tiếp đến họ: máy nghe nhạc cá nhân, điện thoại di động, các loại máy tính cá nhân, truyền hình… Lĩnh vực thời trang cũng được truyền thông phản ánh hàng ngày, từ những “tin hot” về các ngôi sao, diễn viên, người mới nổi… đến những xu hướng thời trang thế giới luôn được cập nhật. Hình ảnh các “ngôi sao”, "hot girl" tràn ngập bìa sách báo tạp chí mà thiếu vắng những sự bình luận phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực này. Phim ảnh cũng đang là “trào lưu” mới của giới trẻ thành phố vì hiện nay xem phim ở các rạp hiện đại, tiện nghi và luôn có phim mới, hay… có thể từ dư luận của giới trẻ về bộ phim này để nhìn nhận “thị hiếu” về điện ảnh của lớp trẻ.
Ngoài ra, cần nhận thấy rằng “thị hiếu thẩm mỹ’ không chỉ thể hiện qua lĩnh vực nghệ thuật (mặc dù đây là lĩnh vực nhạy cảm nhất của thị hiếu giới trẻ), mà còn ở nhiều lĩnh vực khác, nhất là trong môi trường đô thị đang trong quá trình xây dựng thành phố văn minh – hiện đại. Thẩm mỹ trong xây dựng, trang trí nội thất nhà ở, quán cà phê, cửa hàng, tiệm ăn… Nhất là trong “ngôn ngữ giao tiếp” và “ứng xử văn hóa” của những cư dân đô thị… Muốn có một thành phố đẹp cần có những con người hiểu biết về cái đẹp, từ đó mới có thể gìn giữ những nét đẹp truyền thống và tạo dựng thêm những nét đẹp mới của thành phố.
Tuy nhiên, bên cạnh những ảnh hưởng tích cực không thể không nhận thấy ảnh hưởng tiêu cực của các phương tiện truyền thông là có thể đưa đến nhận thức thẩm mỹ lệch lạc, hay nhẹ nhất cũng là tạo nên vài “cơn sốt ảo” về giá trị văn hóa của một tác phẩm nghệ thuật, một "ngôi sao đang lên"… Tuy tác hại có thể chưa nhận ra ngay nhưng dần dần sẽ làm giới trẻ “miễn dịch” với “cái xấu”. Xây dựng thẩm mỹ tốt đẹp là quá trình lâu dài và khó khăn nhưng chỉ vài tác động nhỏ hàng ngày cũng làm mất đi nhận thức về “cái đẹp thực sự”. Vai trò của truyền thông thực sự quan trọng trong trách nhiệm định hướng thẩm mỹ cho giới trẻ hiện nay, nhất là các mạng xã hội và các hình thức hoạt động khác trên Internet.
Mặt khác, cần nhận thấy rõ rằng vai trò của những nhà chuyên môn của các lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật trên các diễn đàn, mạng xã hội hay các phương tiện truyền thông còn khá khiêm tốn. Việc phổ biến kiến thức (lý luận và thực tiễn) vào đời sống xã hội thực sự cần thiết, khi mà trong chương trình học tập ở nhà trường các cấp chưa có những môn học mang tính giáo dục thẩm mỹ.
Cuốn sách này gồm một số bài viết của các nhà khoa học tại hội thảo “Định hướng thị hiếu thẩm mỹ cho giới trẻ thành phố Hồ Chí Minh” do Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Hy vọng đây sẽ là tài liệu giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn về nhu cầu thị hiếu thẩm mỹ, thị hiếu nghệ thuật của tầng lớp thanh niên, những vấn đề văn hóa – xã hội đang đặt ra đòi hỏi những nghiên cứu dự báo cả về lư luận và thực tiễn.
Trong quá trình tuyển chọn có thể còn những sai sót, chúng tôi mong nhận được sự góp ý của bạn đọc. Trân trọng cám ơn.
TS. Nguyễn Thị Hậu
Phó Viện trưởng - Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố