Cuốn sách "Văn hóa 'gỡ'" của nhà văn Vũ Bằng bao gồm một số tác phẩm của Vũ Bằng được đăng trên tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy từ năm 1941 - 1954 và trên báo Mới.
Những tác phẩm của Vũ Bằng trên Tiểu thuyết thứ bảy rất đa dạng, có tản văn, phóng sự, truyện, ghi chép về các phong tục tập quán của dân tộc, tiểu luận văn chương và cả truyện cổ tích. Kỷ niệm về người mẹ và những bức tranh dán tường thời thơ bé, những câu chuyện tình yêu hạnh phúc và đau khổ, những suy nghĩ, ghi chép về mùa xuân, ngày Tết, chuyện Stefan Zweig tự tử... Trong những câu chuyện đó bao giờ Vũ Bằng cũng lồng vào những suy nghĩ riêng khá độc đáo của mình, vẫn tràn đầy một niềm tin vào dân tộc, con người, vào sự tiến bộ.
Còn trên báo Mới, tác phẩm của Vũ Bằng gồm có ba phóng sự và ba truyện, ngoài ra còn có một số truyện ghi chép mang tên Sự quan trọng của lễ động thổ đầu năm trong xã hội Việt Nam ngày trước và bây giờ in trên số Xuân Quý Tỵ 1953 với bút danh Tiêu Liêu. Ba phóng sự là "Hà Nội trong cơn lốc, Lo thầy chạy thuốc, Người văn nghệ, anh đi đâu?". Ba truyện của Vũ Bằng trên báo Mới gồm có "Rước thủy tiên (1953), "Tình đặc biệt", "Ăn Tết chữ" (1954).
Cuốn sách này của Vũ Bằng sẽ giúp các bạn hiểu thêm về một Hà Nội trước và sau Cách mạng tháng Tám, một Vũ Bằng tài hoa nhưng lận đận.