Đúng như tên gọi, cuốn sách kể về những "sóng gió" cải cách chứ không "chuyên" mô tả thành công và ngợi ca thành tích với những vầng hào quang chói mắt. Nó không "tát nước theo mưa", tung hô Đảng Cộng sản và Nhà nước Trung Quốc theo kiểu hát tụng ca về "người cầm lái vĩ đại". Cuốn sách viết về những sự kiện cải cách mạng tính đột phá, gắn với số phận bi kịch của những doanh nhân dám đi tiên phong mở lối...
Cuốn sách là một tổng kết đầy đủ và chi tiết về quá trình cải cách kinh tế của Trung Quốc trong 30 năm, từ 1978 đến 2008.
Câu chuyện được trình bày theo kiểu chương hồi, mỗi năm là một chương trong toàn cảnh bức tranh 30 năm sóng gió, về một quốc gia đã suy kiệt đến cùng cực, từ lãnh đạo cho đến người dân. Bước vào hành trình mở cửa cải cách, tất cả họ đều hoang mang không biết vịn vào đâu, họ vô vọng đối với những sự trợ giúp từ bên ngoài, nội lực thì thiếu thốn, thể chế cứng nhắc trói buộc tay chân họ. Họ chưa từng được tiếp nhận bất cứ một kiến thức thương mại hiện đại nào.
Nhưng từng ngọn đuốc sáng đã được thắp lên đây đó từ những miền hẻo lánh, sự vươn lên từng ngày của miền duyên hải, những bước chân rậm rịch đêm ngày, lúc ẩn lúc hiện, tiến lên từng bước. Cuối cùng, sau 30 năm, họ đã sáng tạo nên một quốc gia có nền thương mại vô cùng sôi động, và thời gian tăng trưởng kinh tế kéo dài nhất. Bản thân họ cũng đã trở thành những doanh nhân không dễ bị đánh bại.
Nhưng, sau những thành công đó, giờ đây mệnh đề lớn nhất của cải cách thương mại Trung Quốc sau năm 2008 chính là: Làm thế nào để xây dựng một quốc gia thương mại khỏe mạnh, hài hòa, công bằng… Liệu rằng Trung Quốc đã tìm được đường thoát khỏi mê cung hay chưa?