Nếu đơn giản hóa vấn đề, có thể thấy mô hình sản xuất xoay quanh một chữ V, dưới đáy là khâu sản xuất hay lắp ráp, ở hai đầu là các công đoạn "cao cấp" hơn như nghiên cứu, thiết kế hay tiếp thị, xây dựng thương hiệu.Toàn cầu hóa, với nhiều công ty đa quốc gia, là cố gắng đẩy các công đoạn nằm ở dưới đến các nước giá nhân công rẻ và giữ lại phần trên cho mình. Các nước cũng cố gắng trèo lên bậc thang giá trị để phát triển nhanh hơn. Vấn đề của toàn cầu hóa, vì vậy, chính là ở chỗ định giá một cách bất công các khâu sản xuất này, giá tiền công sản xuất lúc nào cũng thấp hơn nhiều lần, chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong một chiếc giày thời trang chẳng hạn. Toàn cầu hóa được xem là đem lại cơ hội cho mọi người nhưng giá trị của cơ hội đó hoàn toàn khác nhau trong khi sản xuất đi liền với ô nhiễm môi trường, tài nguyên cạn kiệt, xáo trộn xã hội vì các dòng chảy lao động.
Ở các khâu "cao cấp", vũ khí bảo vệ "giá trị" chính là quyền sở hữu trí tuệ, được các nước phát triển bảo vệ bằng mọi giá - bởi chỉ bằng cách này, họ mới định được giá cao. Chính rào cản sở hữu trí tuệ làm cho các nước nghèo khó lòng bứt phá lên được trong khi làm ra bao nhiêu tiền phải đổ vào hết để trả cho các khâu "thiết kế" hay "xây dựng thương hiệu". Và để các nước chịu tham gia vào sự phân công khiên cưỡng này, luật lệ thương mại, mở cửa thị trường, tạo thuận lợi cho đồng vốn đầu tư được đặt ra và giám sát bằng cách định chế quốc tế.
Kết quả là cả thế giới trở thành bãi thử sản phẩm với hàng loạt đời máy tính, điện thoại di động... đua nhau ra đời. Thử hỏi nếu chỉ vì thỏa mãn nhu cầu sử dụng, liệu toàn bộ số máy tính hay máy điện thoại đã sản xuất có quá đủ cho 6,4 tỉ người trên toàn thế giới sử dụng không? Một công việc bàn giấy bình thường cách đây mấy chục năm chỉ phải tiêu tốn một lần tiền cho một chiếc máy đánh chữ; nay ắt phải tiêu gấp mấy chục lần và tiêu liên tục cho cùng phương tiện làm việc - chiếc máy tính.
Về tác giả
Tác giả Nguyễn Vạn Phú hiện là Tổng thư ký tòa soạn Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Ông đã có hơn 20 năm làm báo, bắt đầu là tờ Vietnam Investment Review từ lúc tờ tuần báo tiếng Anh này được thành lập vào năm 1991. Sau đó ông chuyển sang làm cho nhóm báo Saigon Times, đầu tiên là thư ký tòa soạn tờ báo tiếng Anh hàng ngày là tờ Saigon Times Daily, rồi làm thư ký tòa soạn và tổng thư ký tòa soạn tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Ông cũng từng giữ chuyên mục Business Beat trên tờ Vietnam News trong vòng 10 năm.
Ông là tác giả và dịch giả nhiều cuốn sách về tiếng Anh và quản trị kinh doanh.
Tác phẩm đã xuất bản:
• Chuyện chữ và nghĩa, NXB Trẻ 1997
• Tiếng Anh lý thú, NXB TPHCM 2000
• Năm điều cám dỗ giám đốc, NXB Trẻ 2005
• Tiếng Anh theo dòng thời sự, NXB Trẻ 2008