Sẽ không là quá lời nếu nói rằng trong những thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, cả thế giới đều dõi theo Trung Quốc. Sự trỗi dậy của Trung Quốc về kinh tế và cùng với đó là hành vi ứng xử của đất nước này trên trường quốc tế là mối quan tâm thường trực của truyền thông và giới phân tích toàn cầu. Trong suốt chiều dài của lịch sử thế giới, từ Đông sang Tây, sự trỗi dậy của các đại cường luôn đi liền với sự xáo trộn an ninh quốc tế và cuối cùng là một trật tự thế giới mới được thiết lập.
Việt Nam là một nước chia sẻ không chỉ đường biên giới với Trung Quốc, mà còn chia sẻ một lịch sử liên tục trong suốt hơn 2000 năm trở lại đây. Cùng với sự gia tăng chắc chắn mối quan hệ khăng khít về kinh tế và thương mại, Việt Nam càng gắn bó nhiều hơn với Trung Quốc trong thế giới toàn cầu hóa.
Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, đất nước Trung Quốc to lớn và đa dạng, tưởng như rất gần gũi với chúng ta, lại có vẻ rất xa xôi. Chúng ta không biết nhiều về tình hình cập nhật của nền kinh tế Trung Quốc như biết về các nước lớn và xa xôi như Mỹ hoặc Châu Âu. Có thể viện một số lý do cho điều này, như sự mù mờ cố hữu của thông tin từ trong lòng Trung Quốc, ngăn cách về ngôn ngữ, v.v…
Đứng trước thực trạng đó, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã thành lập Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) với mong muốn thu hẹp khoảng cách về thông tin giữa hai đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. VCES thực hiện những phân tích độc lập về tình hình kinh tế Trung Quốc, dựa trên nguồn thông tin trực tiếp từ trong đất nước này, cũng như từ các nguồn tổng hợp của thế giới bên ngoài. Tất cả những hoạt động này của VCES đều dựa trên một nền tảng triết lý cho rằng sự thấu hiểu Trung Quốc, một cách lý tính, sẽ giúp Việt Nam nhìn thấy được nhiều cơ hội to lớn hơn, thay vì cảm thấy bị đe dọa, trước sự trỗi dậy của nền kinh tế vĩ đại này.
Ngay sau khi thành lập, VCES đã liên tục thực hiện các nghiên cứu chuyên đề, xây dựng báo cáo thường kỳ về kinh tế Trung Quốc, tổ chức các cuộc tọa đàm và hội thảo quốc tế thảo luận chuyên sâu về những khía cạnh khác nhau của nền kinh tế hoặc biến động chính sách của Trung Quốc.
Một trong những hoạt động hàng năm của VCES là tổ chức một hội thảo quốc tế định kỳ về kinh tế Trung Quốc. Trong hội thảo đó, các nhà kinh tế Việt Nam, Trung Quốc, các nước trong khu vực và trên thế giới, có thêm một cơ hội để cùng thảo luận với nhau những vấn đề đương đại của Trung Quốc. Vào năm 2012, hội thảo với chủ đề “Trung Quốc: Những thách thức đối với mô hình tăng trưởng kinh tế hiện nay" đã khởi đầu cho chuỗi các hoạt động học thuật này.
Năm 2013, hội thảo với chủ đề “Trung Quốc: Những rủi ro trung hạn” được tổ chức trong bối cảnh đất nước này đang chứng kiến sự chuyển giao quyền lực ở cấp cao nhất từ thế hệ thứ tư sang thế hệ thứ năm. Các chuyên gia từ Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc tham dự hội thảo đã có cơ hội trao đổi về những khía cạnh khác nhau trong tiến trình phát triển của kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là một số rủi ro lớn mà nền kinh tế này có thể phải đối mặt trong năm hoặc mười năm tới. Các chuyên đã thảo luận những chủ đề đa dạng từ lĩnh vực tài chính ngân hàng, tài chính công, đến quá trình đô thị hóa và thị trường bất động sản, hay cấu trúc dân số và sự chuyển đổi của thị trường lao động.
Có thể khẳng định, đây là một ấn phẩm có giá trị, cập nhật nhiều thông tin kịp thời và có hệ thống, đồng thời cung cấp những nhận định sâu sắc về các khía cạnh quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc. Từ cuốn sách, chúng tôi mong muốn sẽ có thêm nhiều người Việt Nam hiểu rõ hơn về nền kinh tế Trung Quốc, từ đó tự có những chiêm nghiệm và đánh giá riêng về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Cuốn sách do nhóm tác giả Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam VEPR soạn thảo. Hiện tại, VCES đã thiết lập quan hệ hợp tác nghiên cứu, trao đổi học thuật với các cơ quan nghiên cứu về kinh tế, kinh tế Trung Quốc, nghiên cứu tình hình Trung Quốc của Việt Nam. Đồng thời, VCES cũng thường xuyên tiến hành các chuyến trao đổi học thuật, tổ chức sự kiện nghiên cứu về tình hình kinh tế Trung Quốc với các trường đại học và tổ chức nghiên cứu của nước ngoài như Đại học Kinh tế Tài chính Giang Tây (Trung Quốc), Đại học Nam Khai (Trung Quốc), Đại học Chiết Giang (Trung Quốc), Đại học Quốc lập Chungbuk (Hàn Quốc), Đại học Busan (Hàn Quốc), Hội Khoa học Xã hội Hàn – Trung (Hàn Quốc). Với mục tiêu trở thành một thành viên của mạng lưới nghiên cứu Trung Quốc tại Đông Á, VCES hướng đến việc thiết lập quan hệ hợp tác sâu rộng với các tổ chức nghiên cứu Trung Quốc tại các quốc gia Đông Á và châu Á – Thái Bình Dương khác.
Trích đoạn
Mục tiêu của kế hoạch này là sẽ đạt được tỉ lệ đô thị hóa 70% trong vòng 10 năm tới, điều này đã mang đến rất nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc. Bài viết này nhìn lại lịch sử quá trình đô thị hóa sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập cho tới nay, tổng kết những bài học kinh nghiệm từ 3 lần đô thị hóa, chỉ ra rằng muốn thúc đẩy quá trình đô thị hóa cần một chiến lược đô thị hóa phù hợp với tiến trình của quốc tế, tránh được những biến động lớn và tổn thất mà con người mang lại cho kinh tế, xã hội. Do đó bài viết này đi vào phân tích tám vấn đề cơ bản mà hiện nay đợt đô thị hóa mới cần phải đối mặt đó là đất đai, hệ thống đăng ký hộ khẩu, nhà ở, môi trường, giao thông đô thị, việc làm và ngành công nghiệp đô thị, hệ thống dịch vụ công cộng đô thị và chi phí của công dân đô thị mới; cùng với đó chỉ ra một cách chi tiết, tỉ mỉ tất cả những cơ hội và thách thức mà tám phương diện trên phải đối mặt. Đợt đô thị hóa mới này được bắt nguồn từ một kế hoạch đầy quyết tâm và hứng khởi của chính phủ, cũng vì lý do đó mà thách thức lớn nhất của đô thị hóa lại là từ phía chính phủ, còn cơ hội lớn nhất của đợt đô thị hóa mới đến từ sự vươn lên mạnh mẽ của các thành phố mới nổi. Do gặp phải hạn chế từ tính xác thực của số liệu và sự biến động của tương lai nên bài viết này không triển khai sâu thêm nghiên cứu thực chứng. Thông qua những phân tích số liệu và những quan điểm cơ bản mà bài viết đưa ra, tuy còn nhiều thiếu sót nhưng cũng có thể giúp ích phần nào cho những người muốn tìm hiểu về sự chuyển hình của kinh tế Trung Quốc.
Năm 2011 chính phủ Trung Quốc đã đề ra đề cương quy hoạch “12 năm”, trong đó chỉ ra rằng cần phải “cải thiện bố cục và hình thái đô thị hóa, tăng cường quản lý đô thị hóa, không ngừng nâng cao chất lượng và mức độ đô thị hóa”. Báo cáo “Thập bát đại” được đưa ra năm 2012 có nêu rằng: “Kiên trì đi theo con đường công nghiệp hóa, thông tin hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa nông nghiệp mang đặc sắc Trung Quốc, nâng cao mức độ toàn diện, sâu sắc của sự hòa hợp giữa thông tin hóa và công nghiệp hóa”, thúc đẩy sự phối hợp đồng bộ giữa công nghiệp hóa và đô thị hóa, sự kết hợp nhịp nhàng, hài hòa giữa hiện đại hóa nông thôn và đô thị hóa; khiến cho công nghiệp hóa, thông tin hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa nông thôn cùng nhau phát triển”. Năm 2013, chính phủ Trung Quốc đang gấp rút đưa ra kế hoạch tổng thể về đô thị hóa, kế hoạch này đã trải qua hai lần sửa đổi, dự kiến sẽ được công bố rộng rãi vào cuối năm nay. Dựa theo những tin tức đã có được hiện nay, đến năm 2020, tỉ lệ đô thị hóa Trung Quốc sẽ từ 50% năm 2011 tăng lên tới 70%, dân số thành thị mới tăng lên đến 0,4 tỷ người, tốc độ đô thị hóa mỗi năm khoảng 2%. Nhà kinh tế từng được giải Nobel J.E. Stiglitz đã từng đưa ra dự đoán “Việc đô thị hóa của Trung Quốc và cuộc Cách mạng kỹ thuật hàng đầu của Mỹ sẽ trở thành hai sự kiện lớn của thể kỷ 21 và có tầm ảnh hưởng đối với nhân loại”. Từ đó có thể nhận thấy rằng trong điều kiện sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc phải chịu tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và trong điều kiện kinh tế trong nước đang trong quá trình chuyển mình thì đô thị hóa có một nhiệm vụ lịch sử quan trọng đối với công cuộc hiện đại hóa Trung Quốc, cũng là tiềm lực lớn nhất cho việc mở rộng, thúc đẩy nhu cầu trong nước.. Sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc nhất định sẽ chịu ảnh hưởng từ đợt đô thị hóa mới trong vòng 10 năm tới, và lúc này cơ hội và thách thức; lợi ích thu được và việc buộc phải mạo hiểm sẽ cùng song song tồn tại.
1. Lịch sử quá trình đô thị hóa của Trung Quốc
Năm 2011, tỉ lệ đô thị hóa của Trung Quốc đạt tới con số 51,27%, lần đầu tiên số dân thường trú tại đô thị vượt qua số dân vùng nông thôn, điều này thể hiện kinh tế xã hội và công cuộc đô thị hóa của Trung Quốc đã bước vào một giai đoạn mới. Nhưng từ xuất phát điểm là 10%, để có được con số 50%, công cuộc đô thị hóa của Trung Quốc đã trải qua một quá trình tương đối chậm. Khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa mới thành lập, mức độ đô thị hóa của Trung Quốc chỉ là 10,6% và được xếp vào nhóm các quốc gia nông nghiệp. Đến năm 1978, mức độ đô thị hóa mới tăng lên tới 17,92%, trong thời gian đó còn xuất hiện hai lần giải đô thị hóa. Trong gần 30 năm đó, tỉ lệ bình quân mỗi năm của đô thị hóa tăng thêm 0,25%, quá trình đô thị hóa gần như chỉ dậm chân tại chỗ. Năm 1978, sau khi Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa, quá trình đô thị hóa mới có dấu hiệu tiến triển, bình quân mỗi năm tăng lên 1,02%. Và tới năm 2011 tỉ lệ đô thị hóa lần đầu tiên vượt qua con số 50%. Mặc dù sau này tốc độ đô thị hóa có tăng, nhưng nhìn một cách tổng thể mà nói, kể cả khi tổng sản lượng kinh tế Trung Quốc đã đứng thứ hai thế giới thì mức độ đô thị hóa vẫn còn ở mức thấp, so với quá trình phát triển kinh tế của nhiều quốc gia còn chưa đồng đều. Đây là vấn đề cơ bản nhất vào lúc này.
Thông thì, người ta hay quy kết yếu tố chính sách và chế độ là hai nguyên nhân dẫn đến sự chậm chạp của tăng trưởng kinh tế cũng như của quá trình đô thị hóa: (1) Quy định về đăng ký hộ khẩu được hình thành do đặc thù của tình hình Trung Quốc trong một thời gian dài. Quy định này thực ra đã tồn tại từ trước khi nước Trung Quốc mới được thành lập, nhưng chúng đã được bổ sung rất nhiều từ sau khi nước Trung Quốc mới thành lập, thêm vào đó lại kết hợp cùng chế độ và chính sách kinh tế, điều này khiến cho quy định về đăng ký hộ khẩu vừa trở thành những điều kiện đảm bảo vừa là những hạn chế cơ bản về quyền lợi kinh tế và phúc lợi xã hội đối với cư dân các vùng thành thị và nông thôn. Ngày nay, rất nhiều nội dung của quy định về đăng ký hộ khẩu đã được bãi bỏ hoặc được nới lỏng, nhưng sự chênh lệch về phúc lợi giữa hai khu vực thành thị và nông thôn vẫn còn tồn tại. (2) Việc dân số Trung Quốc ở mức cao trong một thời gian dài đã thúc đẩy chính phủ đưa ra chính sách kế hoạch hóa gia đình. Chính sách này có tác dụng rất lớn đối với việc khống chế sự gia tăng nhanh chóng của dân số Trung Quốc, nhưng do hiệu quả thực hiện chính sách này giữa các vùng thành thị và nông thôn là không gống nhau, hiệu quả ở các khu vực thành thị luôn cao hơn so với các vùng nông thôn, do đó dân số khu vực nông thôn vẫn tiếp tục duy trì ở mức tương đối cao. Hiện nay chính sách kế hoạch hóa gia đình tuy đã có sự điều chỉnh, nhưng thực tế vẫn tồn tại sự khác nhau về quy luật tăng trưởng dân số giữa các vùng thành thị và nông thôn. (3) Kết quả của sự biến đổi không ngừng trong chiến lược đô thị hóa của chính phủ Trung Quốc. Chúng ta cần có những thảo luận sâu hơn về nguyên nhân này.
2. Diễn biến và kết quả của chiến lược đô thị hóa của Trung Quốc.
Cho tới nay có thể thấy chính phủ Trung Quốc đã thực thi nhiều chiến lược đô thị hóa khác nhau, những chiến lược này có tác dụng thúc đẩy rất lớn đối với mức độ đô thị hóa:
Việc thay đổi trong lựa chọn ưu tiên phát triển công nghiệp hay nông nghiệp đã dẫn đến sự lên xuống chập chờn, bất ổn định của mức độ đô thị hóa.
Khi mới thành lập đất nước, Trung Quốc do muốn nhanh chóng thoát khỏi tình trạng nghèo nàn lạc hậu nên đã coi việc phát triển công nghiệp trở thành mục tiêu cơ bản của chiến lược. Để giải quyết tình trạng thiếu lực lượng lao động ngành công nghiệp, dân cư di chuyển với một tốc độ chóng mặt tới các thành phố lớn, điều này đã tạo nên hiện tượng đô thị hóa lần đầu tiên cao đỉnh điểm vào những năm cuối của thập niên 50. Nhưng không lâu sau đó, do sự tụt dốc của kinh tế quốc dân, chính phủ đã phải có những điều chỉnh đối với hoạt động kinh tế, bắt đầu ưu tiên lại cho phát triển nông nghiệp. Chính điều này đã dẫn đến hiện tượng suy giảm đô thị hóa. Sau đó quá trình đô thị hóa cũng có được những khởi sắc nhất định, nhưng vào thời kỳ Đại cách mạng văn hóa, do phải tích cực chuẩn bị cho chiến tranh, kết quả là lại tiếp tục xuất hiện hiện tượng phản đô thị hóa. Sự thay đổi rất nhanh chóng, không ổn định này của quá trình đô thị hóa, xét về tổng thể mà nói, tất cả đều do những quyết sách sai lầm của con người tạo thành, nó cũng mang lại nhiều kết quả tiêu cực cho sự phát triển xã hội và tăng trưởng kinh tế.
Chiến lược đô thị hóa đối với các thị trấn nhỏ.
Sau cách mạng mở cửa, kinh tế nông thôn đã có những thành công bước đầu, sở hữu một lượng lớn về tiềm lực lao động. Năm 1983, Phí Hiếu Thông – một nhà nghiên cứu xã hội học nổi tiếng – đã đưa ra báo cáo “Thị trấn nhỏ, vấn đề lớn”, trong đó xuất phát điểm chủ yếu là đưa ra những hướng đi để giải quyết vấn đề dư thừa lao động ở các vùng nông thôn, trong đó tư tưởng chủ đạo là muốn giải quyết vấn đề dư thừa lao động ở nông thôn cần coi các thị trấn nhỏ là chính, các thị trấn vừa và lớn là phụ. Chính lý do này đã dấy lên trào lưu nghiên cứu về các thị trấn nhỏ, quan điểm coi các thị trấn nhỏ là nội dung chủ yếu của đô thị hóa nông thôn đã trở thành quan điểm chủ đạo trong các nghiên cứu vào thời gian này. Khi đó tiềm lực tài chính của chính quyền các địa phường còn thiếu thốn do vậy không có cách nào để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ngày nay phát triển các thị trấn nhỏ là một bước đi không thể thiếu để thực hiện thành công công cuộc đô thị hóa. Hơn nữa số lao động dư thừa ở các thị trấn nhỏ lên đến con số 0,2 tỷ người, chỉ dựa vào các thành phố lớn cũng không thể giải quyết được vấn đề dân nhập cư. Phát triển thị trấn nhỏ là một cầu nối quan trọng giúp rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn; các thị trấn nhỏ có thể có tác dụng rất nhanh, rất tốt trong việc liên kết hai thị trường thành thị và nông thôn. Tư tưởng chiến lược này đã nhận được sự hưởng ứng của chính phủ, do đó cao trào đô thị hóa lần thứ hai của Trung Quốc đã được hình thành. Tuy nhiên sau khi bước vào thập niên 90, chiến lược lấy thị trấn nhỏ làm chủ đạo đã bị một chiến lược mới hơn thay thế. Tuy vậy chiến lược này vẫn được tiếp tục duy trì trong quá trình xây dựng nông thôn mới những năm đầu thế kỷ XXI.
Chiến lược đô thị hóa ưu tiên phát triển các thành phố vừa và thành phố trung tâm.
Có một vấn đề xảy ra là chiến lược lấy phát triển thị trấn nhỏ làm chủ đạo vẫn còn chưa chú ý tới sự khác nhau giữa các khu vực, phần lớn các thị trấn nhỏ do chưa có nền tảng cơ sở về sản xuất công nghiệp, năng lực tập hợp người dân còn hạn chế, rất nhiều nông dân lựa chọn di chuyển đến các vùng thành phố vừa và lớn chứ không phải là các thị trấn nhỏ. Do rất nhiều các thị trấn nhỏ còn thiếu động lực để tự phát triển và thiếu sức thu hút với đầu tư, do đó cũng không nhận được nhiều sự đầu tư tương ứng, dẫn đến lãng phí tiền vốn và nguồn tài nguyên đất đai. Còn các thành phố vừa lại khác, chúng đang bước vào giai đoạn mở rộng về quy mô, nếu đem so sánh với các thị trấn nhỏ, các thành phố loại này vừa có năng lực tập hợp lao động, có mức văn hóa đô thị tương đối cao, lại có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, chúng có tiềm năng trở thành nơi thu nạp dân cư lao động, giải quyết bớt áp lực dân nhập cư cho các thành phố lớn, thúc đẩy sự tăng trưởng công nghiệp hóa và sự phồn vinh của khu vực. Thành phố loại vừa hội tủ đầy đủ những ưu điểm của các thành phố lớn hay thị trấn nhỏ, đồng thời lại không tồn tại những khuyết điểm của những loại thành phố khác, do đó có thể thực hiện được việc thống nhất hiệu quả và lợi ích của kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái. Ngoài ra, các thành phố trung tâm còn là trung tâm của khu vực kinh tế, phát huy được tác dụng lan tỏa, tập hợp, thúc đẩy các thành phố xung quanh cùng phát triển. Các thành phố loại vừa được phân bố trải đều chứ không tập trung tại lưu vực các con sông như Trường Giang, Hoàng Hà như các thành phố lớn. Cho đến khoảng thời gian đầu năm 1990 thì chiến lược này được chính phủ lựa chọn trở thành quyết sách của mình, trong quá trình cải cách thể chế quản lý đô thị, chính sách cấp thành phố quản lý cấp huyện nhận được nhiều sự hưởng ứng, đồng thuận. Chính vì lý do này, cao trào đô thị hóa lần thứ hai đã được hình thành.
Chiến lược đô thị hóa trong đó phát triển trọng điểm các thành phố lớn và vòng tròn thành phố.
Chiến lược đô thị hóa trong đó phát triển trọng điểm các thành phố lớn và vòng tròn thành phố được hình thành vào thế kỷ 21, đúng vào giai đoạn nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng một cách mạnh mẽ. Tốc độ phát triển của rất nhiều thành phố trung tâm càng ngày càng nhanh, và những cải cách chế độ đối với các loại thành phố khác của chính phủ Trung Quốc cũng góp phần làm hình thành nên chiến lược này. Các thành phố có quy mô lớn rõ ràng là có sức hút lớn đối với lao động hơn là các thành phố nhỏ, từ đó mang lại những lợi ích nhất định như cơ hội việc làm nhiều hơn, có tiềm lực lớn hơn để phát triển khoa học kỹ thuật và có hiệu ứng lan truyền khá lớn tới các vùng, các thành phố khác. Đặc biệt là các khu vực rất phát triển của Trung Quốc, giữa tỉ lệ đô thị hóa và sự tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ tương quan rõ rệt, nhóm thành phố phát huy được tác dụng động lực rất lớn và càng ngày càng quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế. Cao trào đô thị hóa lần thứ 3 được hình thành từ rất nhiều nhân tố đã tạo ra sự tăng tốc của tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên tình hình thực tế cũng chỉ ra rằng, hiện nay rất nhiều các thành phố phát triển ở mức cao kéo theo rất nhiều “căn bệnh thành phố lớn” như giao thông, ô nhiễm nguồn nước ở vào mức báo động, ô nhiễm môi trường, vv… Những vấn đề này buộc chiến lược đô thị hóa đợt mới phải đối mặt một cách nghiêm túc và cần nỗ lực hơn để giải quyết….”