Thập niên đầu của thế kỷ 21 đang đi vào những năm cuối cùng, kinh tế xã hội thế giới và Việt Nam đều phát triển rất nhanh, thay đổi cả lượng lẫn chất; trong đó, sự tiến bộ liên tục của khoa học - kỹ thuật mang lại cho con người rất nhiều tiện ích, hỗ trợ sự phát triển thể lực và trí lực. Bên cạnh, ngày nay con người luôn phải đối phó với nhiều vấn đề mới phá sinh hoặc mới phát hiện, những vấn đề do chính con người gây ra trực tiếp, liên quan đến môi trường sống của mình, liên quan đến trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh.
Trong tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, các tổ chức và các doanh nghiệp của nước ta đang đứng trước nhiều cơ hội lẫn nguy cơ trong môi trường kinh tế xã hội mang tính toàn cầu, tất cả đều có tính thách thức. Các tổ chức muốn nắm bắt cơ hội hoặc ngăn chặn hay hạn chế nguy cơ đòi hỏi phải có các nguồn lực có khả năng cạnh tranh mạnh, trong đó trí lực đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong xã hội tri thức hay xã hội thông tin của thế kỷ 21. Làm thế nào để tổ chức tồn tại và phát triển ổn định lâu dài? Làm thế nào xây dựng được các lợi thế cạnh tranh? Làm thế nào phát huy được các nguồn lực hiện có hoặc tiềm tàng? Làm thế nào khẳng định được bản thân từng doanh nghiệp, từng tổ chức với thế giới chung quanh? Làm thế nào để kinh tế, giáo dục v.v... của Việt Nam hội nhập nhanh chóng với thế giới? v.v... Đó là những câu hỏi mà các nhà quản trị trong các tổ chức của nước ta bắt buộc phải có những câu trả lời thỏa đáng nếu muốn vươn lên phía trước. Muốn làm tốt việc này, điều quan trọng nhất đối với từng người có trách nhiệm trong mỗi tổ chức là luôn phải nâng cao không ngừng trí lực của mình, cả trí lực về chuyên môn lẫn trí lực về đạo đức, nâng cao liên tục các kỹ năng hoạt động nghề nghiệp.
Cuốn sách này là một công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc, cung cấp nhiều thông tin có giá trị, trình bày có hệ thống và dễ hiểu. Qua nội dung cuốn sách, người đọc có thể hình dung rõ những công việc mà nhà quản trị chiến lược của các doanh nghiệp có định hướng kinh doanh lâu dài cần thực hiện nhằm xây dựng được các lợi thế cạnh tranh ổn định trong quá trình phát triển; đồng thời, qua cơ sở lý luận, các nhà quản trị có thể nhận diện rõ các chiến lược cạnh tranh của các đối thủ đang hoạt động trên thị trường trong và ngoài nước để có biện pháp đối phó hữu hiệu.
Mục lục:
Phần mở đầu: Khái quát về quản trị chiến lược
Phần 1: Phân tích môi trường
Chương 1: Phân tích các cơ hội và nguy cơ của môi trường bên ngoài
Chương 2: Phân tích điểm mạnh và điểm yếu của môi trường nội bộ
Chương 3: Quản lý thông tin môi trường kinh doanh
Phần 2: Hình thành chiến lược
Chương 4: Tiến trình lựa chọn chiến lược kinh doanh
Chương 5: Xây dựng các định hướng chung của tổ chức
Chương 6: Các chiến lược kinh doanh cơ bản
Chương 7: Chiến lược cạnh tranh ở thị trường nước ngoài
Chương 8: Chiến lược kinh doanh trong nền kinh tế Internet
Phần 3: Thực hiện và kiểm tra chiến lược
Chương 9: Tổ chức thực hiện chiến lược kinh doanh
Chương 10: Kiểm tra mang tính chiến lược
Kết luận chung
Về tác giả
Danh mục tài liệu tham khảo