Ngày nay, tốc độ toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc dân diễn ra với tốc độ nhanh so với các thập niên trước đây của thế kỷ 21. Chúng ta đã từng thấy công ty đa quốc gia Siemens Đức có mặt trên 190 nước, với trên 400.000 nhân viên, hoặc công ty Dutch Lady Hòa Lan, công ty Neslé, công ty P&P… đều thực hiện hoạt động kinh doanh ở rất nhiều nơi trên thế giới. Doanh số bán hàng và lợi nhuận mà các công ty đa quốc gia nói trên đã đạt được ở ngoại quốc còn nhiều hơn là doanh số và lợi nhuận thu được tại chính quốc gia họ. Sự sáp nhập và mua lại M&A (mergers and acquisitions) giữa các công ty đa quốc gia đã diễn ra sôi động trên thị trường quốc tế trong những năm gần đây. Vào khoảng tháng 3-2006, tập đoàn cung ứng thiết bị viễn thông Alcatel SA, Pháp đã đạt được thỏa thuận mua lại Lucent Technologies Inc; một công ty của Mỹ cũng hoạt động trong lĩnh vực này, với giá 13,4 tỷ USD. Theo kết quả kinh doanh năm 2005 của Alcatel và Lucent, tập đoàn mới chiếm 18,8% thị phần thiết bị viễn thông toàn cầu, có doanh thu 25 tỷ USD (21 tỷ euros), vượt tập đoàn LM Ericsson của Thụy Điển (doanh thu 19,9 tỷ USD) và chỉ kém tập đoàn Cisco Systems của Mỹ. Với việc sáp nhập này, trong vòng 03 năm tới, tập đoàn mới sẽ tiết kiệm được 1,7 tỷ USD các loại chi phí và sẽ phải cắt giảm 8.800 lao động (tương đương 10 % tổng số nhân viên).
Tại sao các công ty đa quốc gia lại tích cực tham gia vào hoạt động kinh doanh quốc tế? Đó là vì các mục tiêu sau:
Bành trướng doanh số bán hàng ở ngoại quốc;
Có được nguồn tài nguyên thiên nhiên bên ngoài;
Đa loại hóa các nguồn hàng và các nguồn cung ứng;
Giảm thiểu rủi ro trong việc cạnh tranh.
Ngoài ra, có thể nói bốn lý do sau đã thúc đẩy hoạt động kinh doanh quốc tế gia tăng trong các năm gần đây.
- Việc gia tăng bành trướng công nghệ với tốc độ nhanh, như internet, email…
- Việc tự do hóa các chuyển dịch xuyên biên giới
- Việc phát triển các dịch vụ hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh
- Tốc độ cạnh tranh toàn cầu gia tăng mạnh.
Trong tiến trình toàn cầu hóa các nền kinh tế, các công ty đa quốc gia đã đóng vai trò chủ yếu. Họ đã thực hiện chiến lược kinh danh toàn cầu, với lợi thế là tiến hành hợp lý hơn việc phân bố các tài nguyên trên phạm vi toàn cầu hơn là từng quốc gia riêng lẽ, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế. Những năm cuối của thế kỷ 20, các công ty đa quốc gia bắt đầu hình thành các “liên minh chiến lược” (Strategic alliances) kiểu mới. Bị thúc giục trước sức ép cạnh tranh, làn sóng tự do hóa và sự mở rộng các lãnh vực đầu tư mới, ngày càng có nhiều công ty (kể cả công ty của các nước đang phát triển) đã áp dụng các biện pháp tham gia vào hoạt động kinh doanh toàn cầu, thông qua nhiều hình thức để lập liên minh. Thông qua việc mua lại và sáp nhập (M&A) để thiết lập các cơ sở sản xuất ở ngoại quốc nhằm bảo vệ, củng cố và tăng cường năng lực cạnh tranh của họ. Có thể nói các công ty đa quốc gia đã tái tạo hình dáng cho cơ cấu kinh tế thế giới. Trong nhiều thập niên trước đây, nền kinh tế của các quốc gia tuy có liên hệ, trao đổi lẫn nhau nhưng chưa được hợp thành “một thực thể toàn cầu”, chỉ trong hơn một thập niên cuối của thế kỷ 20, kinh tế các nước không chỉ liên hệ trao đổi mà còn đan xen, gắn kết, hòa hợp với nhau để hổ trợ thành một nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, sự biến động mạnh trong nền kinh tế của các nước đã phát triển, đặc biệt Mỹ, Nhật, Đức đều tác động sâu sắc đến từng nền kinh tế của các quốc gia khác, ngay cả đến toàn thế giới. Các thí dụ điển hình là sự sụp đổ tài chính ở Thái Lan, Indonesia năm 1997-1998 đã lôi kéo theo sự sụp đổ của các nền kinh tế khác như Đại Hàn, Malaysia, Nga… Đặc biệt trong năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chánh xuất phát từ Mỹ đã ảnh hưởng mạnh đến tất cả nền kinh tế trên thế giới, không trừ một quốc gia nào, tuy mức độ ảnh hưởng nhiều hoặc ít khác nhau ở từng nước.
Ngoài một số sự kiện đã nêu trên, các thay đổi kinh tế, chính trị và xã hội khác đã xảy ra trong thập niên cuối của thế kỷ 20, đã làm biến đổi sâu sắc bức tranh kinh doanh toàn cầu. Chúng ta có thể đơn cử một số sự kiện quan trọng như sau:
Các thị trường đang nổi (The emerging markets) ở Đông Âu, Á Châu và Mỹ La-tinh, nơi mà kỳ vọng hơn 75% mức tăng trưởng thương mại thế giới trong suốt 20 năm tới, kể từ năm 2007.
Việc thống nhất Hong Kông, Ma Cao, và Trung Quốc, sau cùng đã đặt tất cả các nước Á Châu dưới sự kiểm soát của chính người Châu Á.
Liên minh Tiền tệ Châu Âu (The European Monetary Union) và việc chuyển đổi thành công từ đồng tiền của từng quốc gia thành viên thành một đơn vị tiền tệ chung cho Châu Âu, đó là đồng EURO.
Sự chuyển dịch nhanh ra khỏi cơ cấu phân phối truyền thông (Traditional distribution structures) ở Nhật, Âu Châu, và nhiều thị trường đang nổi (Ấn, Trung Quốc).
Mức thu nhập trung bình của các hộ gia đình đang gia tăng trên toàn thế giới.
Việc tăng cường liên tục và sáng lập ra các nhóm thị trường khu vực như Liên Minh Châu Âu (EU), Hiệp định Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), CAFTA, AFTA, MERCOSUR và APEC.
Việc hoàn tất thành công "vòng đàm phán Uruguay" của GATT và việc sáng lập Tổ chức Thương mại Thế Giới (WTO).
Việc tái cấu trúc, tái tổ chức và việc tập trung của các công ty vào ngành viễn thông, giải trí và công nghệ sinh học (Biotechnology).
Việc xâm nhập liên tục của Internet và điện thoại di động vào tất cả các khía cạnh hoạt động của công ty và đời sống của người tiêu thụ.
Các thay đổi đó đã tác động mạnh đến thực tiễn kinh doanh toàn thế giới và các thay đổi đó cũng có nghĩa là các công ty sẽ phải thường xuyên đối phó với nhiều rủi ro xảy ra, đồng thời phải có những biện pháp ngăn ngừa, phòng tránh. Các công ty đa quốc gia sẽ phải gặp rủi ro trong các lĩnh vực sau: chính trị, luật pháp, văn hóa, kinh tế (cụ thể nhất là vấn đề về tỷ giá, tổn thất trong giao dịch và chuyển đổi tiền tệ từ đồng tiền của nước này sang đồng tiền nước khác, một khi công ty hoạt động tại nhiều quốc gia khác nhau….) quyền sở hữu trí tuệ…