Lĩnh vực Tài chính hành vi đang phát triển nhanh chóng và sử dụng các kiến thức từ tâm lý học để tìm hiểu cách thức hành vi của con người ảnh hưởng đến các quyết định của các nhà đầu tư cá nhân và chuyên nghiệp, của các thị trường và các nhà quản lý. Tất cả chúng ta đều là con người, điều đó có nghĩa là hành vi của chúng ta bị ảnh hưởng bởi tâm lý. Một vài quyết định rất đơn giản và là những lựa chọn hằng ngày, như việc chúng ta sẽ học tập chăm chỉ như thế nào cho kỳ thi sắp tới, hay nhãn hiệu nước giải khát nào chúng ta sẽ mua, nhưng những quyết định khác lại có thể ảnh hưởng đáng kể đến tình hình tài chính của chúng ta, như là chúng ta có nên mua một cổ phiếu nào đó hay không, hay chúng ta sẽ phân bổ tiền trong tài khoản hưu trí 401(k) của chúng ta vào các quỹ đầu tư khác nhau như thế nào. Mục đích của cuốn sách này là trình bày những gì chúng ta học được về việc ra quyết định từ những nghiên cứu trong lĩnh vực tài chính hành vi, song song với việc nhìn nhận những thách thức vẫn đang tồn tại.
Ở phần tiếp theo của cuốn sách, chúng ta sẽ thấy rằng tài chính hành vi rất hữu ích trong việc giúp chúng ta hiểu về những câu đố ở mức độ nhà đầu tư. Ví dụ, tại sao con người có xu hướng đầu tư vào những công ty địa phương? Tại sao các nhà đầu tư nhầm lẫn một công ty tốt là một cổ phiếu tốt? Tại sao con người gia tăng chấp nhận rủi ro nếu họ vừa có được thành quả danh mục tốt hoặc kém? Tại sao họ lại lưỡng lự khi loại bỏ các cơ hội đầu tư kém ra khỏi danh mục của mình? Tại sao nhiều nhà đầu tư lại giao dịch thường xuyên? Tại sao họ lại không đa dạng hóa đầy đủ các tài sản đang nắm giữ? Tại sao con người lại hành động theo đám đông?
Mặc dù sẽ khó tìm ra ai đó không cho rằng tâm lý có tác động đến quyết định tài chính của cá nhân, nhưng lại có nhiều bất đồng hơn về việc liệu các kết quả của thị trường cũng bị ảnh hưởng hay không. Nguyên nhân là do niềm tin rằng tâm lý con người tác động đến thị trường thì không nhất quán với quan điểm truyền thống cho rằng các áp lực thị trường sẽ đưa đến sự hiệu quả. Mặc dù vậy, nếu tâm lý con người có thể dẫn đến những hành vi cá nhân không tối ưu và những lệch lạc này đôi khi có tương quan với nhau, và tồn tại những giới hạn đối với kinh doanh chênh lệch giá thì với những giới hạn này, quan điểm truyền thống về thị trường có thể chưa đầy đủ.
Gần đây, tài chính hành vi đã có những bước tiến vượt bậc trong việc cung cấp những hiểu biết về hành vi của những nhà quản lý. Với những gì chúng ta đã biết về tâm lý của nhà đầu tư, sẽ là ngạc nhiên nếu các yếu tố tâm lý không đóng một vai trò nào đó trong các quyết định quản trị. Một mặt, liệu các nhà quản lý có thể xem xét những thông tin liên quan đến tâm lý nhằm nỗ lực cải thiện thành quả cá nhân hay không? Mặt khác, những nhà quản lý, vốn dĩ là những con người, có bị tác động bởi những lệch lạc hành vi của chính mình hay không?