Được viết một cách hấp dẫn và thông minh, quyển sách Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại giúp giải đáp câu hỏi từng gây bối rối cho các chuyên gia qua nhiều thế kỷ: Tại sao một số nước giàu còn nhiều nước khác lại nghèo, bị chia rẽ giữa phồn vinh và nghèo khó, mạnh khỏe và bệnh tật, no đủ và đói kém.
Phải chăng lý do nằm ở văn hóa, thời tiết, hay các yếu tố địa lý? Hay là do tình trạng thiếu hiếu biết về những chính sách đúng đắn?
Câu trả lời đơn giản là “không”. Không nhân tố nào trong số này có tính quyết định hay định mệnh. Bởi vi nếu thế, làm sao ta giải thích được lý do khiến Botswana trở thành một trong những nước tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong khi những quốc gia châu Phi khác như Zimbabwe, Congo và Sierra Leone chìm đắm trong đói nghèo và bạo loạn?
Daron Acemoglu và James Robinson chứng minh một cách dứt khoát rằng chính những thể chế kinh tế và chính trị do con người tạo ra là nguyên nhân căn bản của sự thành công (hay không thành công) về kinh tế. Chỉ cần đơn cử một trong những ví dụ thú vị: đất nước Triều Tiên có thành phần dân tộc đồng nhất rõ rệt, thế mà dân chúng Bắc Triều Tiên thuộc nhóm nghèo nhất thế giới trong khi những người anh em Nam Triều Tiên của họ lại nằm trong số những người giàu nhất. Miền nam đã hun đúc nên một xã hội tạo ra được các động cơ khuyến khích, ban thưởng cho sự đổi mới sáng tạo, và cho phép mọi người tham gia vào các cơ hội kinh tế. Thành công kinh tế này được duy trì nhờ chính phủ trở nên có trách nhiệm giải trình và đáp ứng nhanh chóng trước đại đa số quần chúng. Đáng buồn thay, người dân miền bắc phải chịu đựng hàng thập niên đói nghèo, đàn áp chính trị, và những thể chế kinh tế vô cùng khác biệt. Sự khác biệt giữa hai miền nam bắc là do hệ thống chính trị đã tạo ra các quỹ đạo thể chế hoàn toàn khác nhau.
Dựa vào mười lăm năm nghiên cứu sâu sắc, Acemoglu và Robinson đã sắp xếp những bằng chứng lịch sử phi thường từ Đế chế La Mã, các thành bang Maya, Venice thời Trung cổ, Liên Xô, châu Mỹ Latinh, nước Anh, châu Âu, Hoa Kỳ, và chàu Phi để xây dựng một lý thuyết mới về kinh tế chính trị rất thích hợp cho những câu hỏi lớn của ngày hôm nay như:
- Trung Quốc đã xây dựng một cỗ máy tăng trưởng có tính chuyên quyền. Liệu đất nước này có tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao như thế và sẽ chế ngự phương Tây?
- Phải chăng những năm tháng huy hoàng nhất của nước Mỹ đã lùi vào quá khứ? Phải chăng nước Mỹ đang chuyển từ một vòng xoáy đi lên, trong đó những nỗ lực của giới quyền thế nhằm củng cố sức mạnh đã bị kháng cự, sang một vòng xoáy đi xuống làm giàu và trao quyền cho một nhóm thiểu số ít ỏi?
- Đâu là con đường hữu hiệu nhất giúp đưa hàng triệu người thoát khỏi hố sâu đói nghèo và đi tới thịnh vượng? Phải chăng là bằng lòng nhân đạo nhiều hơn của các nước phương Tây giàu có? Hay là bằng cách học lấy bài học hóc búa từ những ý tưởng đột phá của Acemoglu và Robinson về sự tương tác giữa các thể chế kinh tế và chính trị có tính dung hợp?
Quyển sách Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại sẽ thay đổi cách thức chúng ta nhìn và hiểu thế giới.
Những nhận xét về tác phẩm:
"Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại là một quyển sách tuyệt diệu. Acemoglu và Robinson đã nhắm vào một trong những vấn đề quan trọng nhất trong khoa học xã hội - một câu hỏi giày vò các nhà tư tưởng hàng đầu qua nhiều thế kỷ - và đã mang lại lời giải đáp xuất sắc nhờ tính đơn giản và sức thuyết phục của nó. Là sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa lịch sử, khoa học chính trị và kinh tế học, quyển sách này sẽ làm thay đổi cách tư duy của chúng ta về phát triển kinh tế. Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại là một quyển sách mà bạn phải đọc.”
— Stevent Levitt,
đồng tác giả của tác phẩm Kinh tế học hài hước (Freakonomics)
“Có ba lý do khiến bạn sẽ yêu thích quyển sách này. Nó nói về sự chênh lệnh thu nhập quốc gia trong thế giới hiện đại, có lẽ là vấn để lớn nhất của thế giới ngày nay. Nó lại càng thêm sống động với nhũng câu chuyện kỳ thú làm cho bạn trở nên cuốn hút trong những bữa tiệc cocktail - như lý do gì khiến Botswana thịnh vượng còn Sierra Leone thì không. Và nó rất dễ đọc. Cũng như tôi, bạn không tránh khỏi sẽ đọc quyển sách một mạch từ đầu đến cuối, rồi đọc đi đọc lại thêm nhiều lần nữa.”
— Jared Diamond,
tác giả của những tác phẩm bán chạy nhất từng đoạt giải Pulitzer như
Súng, vi trùng và thép (Guns, Germs, and Steel) và Sụp đổ (Collapse)
“Một quyển sách hấp dẫn và vô cùng dễ đọc. Và kết luận là một tin vui: các thể chế ‘chiếm đoạt’ chuyên quyền như những thể chế đang thúc đẩy tăng trưởng ở Trung Qụốc ngày nay nhất định sẽ kiệt sức. Không có những thể chế dung hợp được hình thành trước tiên ở phương Tây thì sẽ không thể có tăng trưởng bền vững, vì chỉ có một xã hội thực sự tự do mới có thể đem đến sự đổi mới thực thụ cũng như hệ quả tất yếu của nó sự phá hủy sáng tạo.”
— Niall Ferguson,
tác giả của tác phẩm The Ascent of Money
"Trước đây, một triết gia người Xcốt-len ít ai biết đến đã viết một quyển sách về những điều làm các nước thành công và những điều khiến họ thất bại. Qụyển sách Sự Thịnh Vượng Của Các Quốc Gia (The Wealth of Nations) đến ngày nay vẫn còn được đọc. Với cùng tinh thần sáng suốt và tầm nhìn lịch sử bao quát như thế, Daron Acemoglu và James Robinson đã trả lời câu hỏi tương tự cho thời đại của chúng ta. Sau hai thế kỷ nữa, cháu chắt chút chít của chúng ta cũng sẽ vẫn đọc Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại.”
— George Akerlof,
giải Nobel kinh tẽ năm 2001
“Quyển sách Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại thật hay trên nhiều phương diện đến mức tôi không chắc có thể kể hết ra được. Nó giải thích về những miền đất rộng lớn trong lịch sử loài người. Dù ở châu Á, châu Phi, hay châu Mỹ nó đều thông thuộc như nhau. Nó công bằng cho cả cánh tả lẫn cánh hữu cũng như mọi xu hướng trung dung. Nó không nện thẳng cánh mà cũng chẳng lăng mạ cốt để lôi cuốn sự chú ý. Nó vừa làm sáng tỏ quá khứ vừa trao cho chúng ta một cách thức mới để tư duy về hiện tại. Chính quyển sách hiếm có trong kinh tế học này sẽ thuyết phục độc giả rằng hai tác giả muốn đem lại những điều tốt đẹp nhất cho những con người bình thường. Nó mang lại cho các học giả những tháng năm tranh luận, cho những độc giả bình thường những năm tháng chuyện trò bên bàn ăn theo kiểu “này, bạn có biết không ...” Nó có những mẩu chuyện vui mà ta luôn luôn đón nhận. Nó là một quyển sách xuất sắc và bạn nên mua ngay, qua đó khuyến khích các tác giả tiếp tục sự nghiệp của mình.”
— Charles C. Mann,
tác giả cùa 1491 và 1493
Về tác giả:
Daron Acemoglu được phong danh hiệu Giáo sư Killian chuyên ngành Kinh tế học ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Năm 2005, ông được tặng Huân chương John Bates Clark dành cho những nhà kinh tế học dưới bốn mươi tuổi được công nhận là đã có những đóng góp quan trọng nhất cho kho tàng tư tưởng và tri thức kinh tế.
James A. Robinson là nhà khoa học chính trị và nhà kinh tế học, được phong danh hiệu Giáo sư David Florence về Chính phủ tại Đại học Harvard. Là chuyên gia nổi tiếng thế giới về châu Mỹ Latinh và châu Phi, ông từng làm việc ở Botswana, Mauritius, Sierra Leone, và Nam Phi.