Thế giới trong tác phẩm này của Cornelia Funke mang không khí của một chợ phiên thời Trung cổ: dòng hoạt động nhộn nhịp, thợ thủ công làm những nghề đã từ lâu sa vào quên lãng, trẻ em ồn ào, những lề thói thô bạo và những mối nguy hiểm lớn lao. Trong phần hai này của "Tim Mực", những nhân vật được đưa vào một vương quốc được làm bằng câu chữ - vào cuốn sách. Họ bị đọc vào đây bởi giọng nói của những người đọc sách tài năng, những người không chỉ thổi sức sống vào trang sách theo nghĩa bóng.
Ngón Tay Bụi, người lúc đầu được xuất hiện trong thế giới thực vì nhầm lẫn, nay quay trở lại chốn cũ và thấy mình không còn dễ sống như trước nữa. Còn Meggie, vốn chỉ muốn chạy vào, ngó qua Thế Giới Mực chút đỉnh, lại không thể thoát ra được. Cô cảm thấy thân thiết với thế giới này, bởi mẹ cô cũng đã từng bị biến vào đây, thời Meggie còn nhỏ. Nhưng giờ thì cả cha cô cũng bị kéo vào đó, và không ít kẻ muốn lấy mạng ông.
Với tác phẩm này, Cornelia Funke đã chứng minh rằng bà thật sự có được một hơi văn dài, đã được báo trước khi phần một kết thúc trong lời hứa hẹn tiếp nối. Cũng vẫn chính là các nhân vật đã quen thuộc, nhưng Conrnelia Funke kể tiếp câu chuyện trong những điều kiện khác hẳn. Nếu trong một phần, tác giả dệt ra một cuộc kiếm tìm cuốn sách bí hiểm, cuốn "Tim Mực" đã nhả ra chàng Ngón Tay Bụi thông minh và cả một loạt những gương mặt u tối, với quầng hào quang của tình yêu sách vở còn phần nào quen thuộc với ta, thì cú nhảy vào trong sách cũng có nghĩa là một cuộc di chuyển tới một địa hình xa lạ.
Bất chấp bạo lực và nét sầu muộn u tối, sự sống động ấm áp của các nhân vật chính đã giúp tác phẩm này trở thành một cuốn sách năng động, đầy nhịp điệu, đầy cảm xúc và lực hút.
Câu chuyện tình yêu dịu dàng như cánh bướm, một bài thơ ca tụng văn học thiết tha và một dòng kể chuyện ngập tràn những hình ảnh mãnh liệt khiến cuốn tiểu thuyết trở thành một chất liệu đọc diệu kỳ của những đêm trăng bên trang sách.