Sa chân lạc bước giữa hai thời đại, mang bản chất của sói hoang dã nguyên thủy và con người trí tuệ luôn xung đột cực độ trong dòng máu – Harry Haller thuộc những kẻ vướng nghiệp phải trải nghiệm mọi vấn nạn đời người bằng nỗi thống khổ của riêng mình ở địa ngục trần gian... Cuộc khủng hoảng tâm thần ấy không của cá biệt một người, mà là căn bệnh thời đại, là chứng loạn thần kinh của cả thế hệ trong đó có Haller, và dường như không chỉ những cá nhân yếu đuối, thấp kém mới mắc phải, mà chính ở những con người giàu thể lực, trí lực nhất, tài ba nhất…
“Anh rất muốn nhảy với em lần nữa” tôi nói, ngất ngây vì hơi ấm của nàng, “nhảy với anh vài bước, Maria nhé, anh say mê cánh tay tuyệt mỹ của em, cho anh được nắm thêm một lát nữa! Nhưng mà này, Hermine đã kêu gọi anh. Nàng đang ở địa ngục.”
“Em đã đoán thế mà. Vĩnh biệt, Harry, em sẽ mãi nhớ anh.”
Nàng giã biệt. Bông hồng mùa hè ấy đã đến độ và ngào ngạt hương thơm của vĩnh biệt, mùa Thu và định mệnh.
Đặc biệt mang màu sắc tự truyện và là tác phẩm nổi tiếng nhất của Hermann Hesse, Sói Thảo Nguyên (1927) hòa quyện tuyệt vời tư tưởng Á Đông huyền bí siêu linh với nền văn minh châu Âu. Trong khi khắc họa sâu sắc và xúc động hành trình của một tâm hồn đi đến giải thoát, Sói Thảo Nguyên đồng thời là bức tranh thấm đẫm hương vị tình yêu hoan lạc, thể hiện đầy ám ảnh cuộc xung đột tinh thần diễn ra giữa bản chất sói và người trong một tài năng xuất chúng bị mắc kẹt giữa hai thời đại đang nung nấu chiến tranh.
Không kém Ulysses [James Joyce] và Bọn làm bạc giả [André Gide] về thử nghiệm viết táo bạo, Sói Thảo Nguyên cũng là cuốn tiểu thuyết đầy thách thức, gây xáo trộn tâm trí, là phần thưởng quý giá cho những độc giả đang nỗ lực tiếp cận một nước Đức tri thức thời cận đại.
Về tác giả
Hermann Hesse (2/7/1877 - 9/8/1962) là nhà thơ, nhà văn và họa sĩ người Đức, được tặng Giải Nobel Văn học năm 1946. Hermann Hesse sinh ra ở Đức, trong một gia đình truyền giáo Kitô giáo. Cha mẹ ông đều nhận nhiệm vụ của Hội truyền giáo Basel hoạt động tại Ấn Độ. Ông bà điều khiển một nhà xuất bản sách truyền giáo từ năm 1873 dưới sự lãnh đạo của ông ngoại ông là Hermann Gundert.
Cuối năm 1892, ông đỗ kỳ thi trung học nhưng bỏ học để theo nghề bán sách rồi nghề thợ cơ khí trong một nhà máy sản xuất đồng hồ.
Công việc hàn giũa đơn điệu chẳng bao lâu lại cổ vũ cho mong muốn quay lại với các công việc trí óc của ông. Tháng 10-1895 ông chấp nhận bắt đầu học lại nghiêm túc nghề bán sách. Sau này ông đã chuyển các từng trải thời trẻ này của mình vào trong quyển tiểu thuyết Unterm Rad (Dưới bánh xe).
Từ tháng 10-1895 Hermann Hesse làm việc tại tiệm bán sách Heckenhauer ở Tübingen, chủ yếu bán các sách về thần học, triết học và luật. Là người học nghề, nhiệm vụ của Hesse bao gồm đối chiếu, đóng gói, phân loại và lưu trữ sách.
Sau mỗi ngày làm việc 12 tiếng, Hesse tiếp tục tự học. Năm 1896 bài thơ đầu tiên của ông được in trong một tạp chí xuất bản ở Wien, các bài thơ khác lần lượt được đăng trong các số phát hành sau đó của Organ für Dichtkunst und Kritik (Cơ quan về nghệ thuật thơ và phê bình).
Mùa thu 1898 Hesse xuất bản tập thơ nhỏ đầu tiên của mình, Romantische Lieder (Các bài hát lãng mạn), và mùa hè 1899 xuất bản tập văn xuôi Eine Stunde hinter Mitternacht (Một giờ đằng sau nửa đêm). Cả hai tác phẩm đều thất bại về mặt kinh doanh. Mặc dầu vậy nhà xuất bản Eugen Diederichs ở Leipzig vẫn tin tưởng vào chất lượng văn học của các tác phẩm này và ngay từ đầu đã xem việc xuất bản như là một hình thức khuyến khích cho tác giả trẻ này hơn là một việc kinh doanh cần mang lại lợi nhuận.
Tiểu thuyết Peter Camenzind, được in thử năm 1903, chính thức phát hành năm 1904, trở thành bước đột phá: từ đây Hesse có thể sống như một nhà văn tự do.
Khi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, ngày 3 -10 -1914 ông đăng trên tờ Neue Zürcher Zeitung (Báo Zürich mới) bài luận văn O freunde, nicht diese Töne (Các bạn ơi đừng nói như vậy) kêu gọi giới trí thức Đức đừng xông vào cuộc bút chiến giữa các quốc gia.
Những gì xảy ra sau đó được Hesse miêu tả sau này như là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của ông. Lần đầu tiên ông đứng bên trong một cuộc xung đột chính trị dữ dội: giới báo chí Đức tấn công ông, nhiều thư hăm dọa được gửi tới và bạn bè cũ từ chối ông. Mặc dầu vậy ông tiếp tục nhận được sự đồng tình của Theodor Heuss và của cả nhà văn người Pháp Romain Rolland.
Các mâu thuẫn với giới báo chí Đức chưa lắng xuống thì Hesse lại bị đẩy vào một cuộc khủng hoảng khác trầm trọng hơn qua cái chết của cha ông vào ngày 8-3-1916. Ông phải ngưng phục vụ cho cơ quan chăm sóc tù binh và đi chữa trị bằng liệu pháp tâm lý.
Việc chữa trị này chẳng những mang lại mối quen biết trực tiếp với Carl Gustav Jung mà còn dẫn ông đi đến một đỉnh cao sáng tạo mới: Tháng 9 và tháng 10-1917, trong một cơn say mê làm việc ông đã viết quyển tiểu thuyết Demian của mình chỉ trong vòng ba tuần. Quyển sách được xuất bản sau khi chiến tranh chấm dứt năm 1919 dưới bút danh Emil Sinclair.
Năm 1922 quyển tiểu thuyết về Ấn Độ của ông, Siddhartha, được xuất bản. Tình yêu nền văn hóa Ấn Độ và các học thuyết Á châu, những cái mà ông đã biết đến ngay từ khi còn ở với cha mẹ, đã được biểu lộ trong quyển tiểu thuyết này.
Năm 1923 Hesse nhận được quốc tịch Thụy Sĩ. Các tác phẩm lớn kế tiếp của ông, Kurgast (Khách dưỡng bệnh) năm 1925 và Die Nürnberger Reise (Chuyến đi Nürnberg) năm 1927, là các tự truyện mang giọng mỉa mai, báo hiệu trước cuốn tiểu thuyết thành công nhất của Hesse, Der Steppenwolf (Sói thảo nguyên) năm 1927.
Năm 1931 Hesse bắt đầu phác thảo tác phẩm lớn cuối cùng của mình, Das Glasperlenspiel (Trò chơi hạt ngọc thủy tinh). Năm 1932 ông xuất bản quyển truyện kể Die Morgenlandfahrt (Hành trình về phương Đông) như là bản phác thảo trước cho tác phẩm này.
Hesse theo dõi việc những người thuộc đảng quốc xã lên cầm quyền ở Đức với một nỗi lo âu lớn. Hesse cố gắng chống lại sự phát triển trong nước Đức bằng cách của ông: ông đã viết nhiều bài bình luận về sách trên các báo Đức kêu gọi ủng hộ các tác giả người Do Thái và các tác giả khác đang bị người của Đảng quốc xã theo dõi.
Bắt đầu từ giữa thập niên 1930 không một báo Đức nào dám đăng bài của ông nữa. Hesse trốn tránh các xung đột chính trị và sau đó trước những tin tức khủng khiếp của Chiến tranh thế giới lần thứ hai bằng cách viết quyển tiểu thuyết Das Glasperlenspiel của mình, được in ở Thụy Sĩ vào năm 1943. Ông nhận Giải Nobel văn chương năm 1946 không chỉ vì tác phẩm lớn lao này.
Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, sức sáng tạo của ông giảm sút, ông chỉ viết truyện kể và thơ nhưng không còn viết tiểu thuyết nữa.
Hesse là tác giả người Đức được đọc và dịch nhiều nhất - hơn 100 triệu quyển sách của ông đã được bán trên khắp thế giới.
Để tưởng niệm Hesse hai giải thưởng văn chương được đặt theo tên ông: Giải thưởng Hermann Hesse và Giải thưởng văn học Hermann Hesse.