Bửu Chỉ - Đường Bay Nghệ Thuật & Ký Ức Trần Gian - Tập sách dày 380 trang, được thực hiện khá công phu, với gần 70 bài viết của nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật, nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học nổi tiếng như Nguyễn Khoa Điềm, Trịnh Công Sơn, Thái Bá Vân, Đinh Cường, Nguyễn Khắc Phê, Đặng Tiến, Huỳnh Hữu Ủy, Nguyễn Quân, Trần Thùy Mai... và 2 nhà báo nước ngoài là Sherry Buchannan, Jeffrey Hanfover. Mỗi tác giả ở mỗi góc nhìn khác nhau đã đánh giá, phân tích một cách sâu sắc nhằm khẳng định tài năng lớn của họa sĩ Bửu Chỉ với một vị trí xứng đáng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam hiện đại.
Với gần 35 năm cầm cọ, họa sĩ Bửu Chỉ đã để lại một số lượng tranh khá đồ sộ. Từ mảng tranh bút sắt thời tuổi trẻ được vẽ trong lao tù hà khắc của chế độ cũ đã được chuyền ra ngoài được xuất hiện trên nhiều tạp chí trong và ngoài nước, sớm đưa tên tuổi của ông trở thành họa sĩ hàng đầu về đề tài chống chiến tranh, chống đế quốc, áp bức, kêu đòi tự do dân chủ... ở miền Nam. Từ sau năm 1975, ông không ngừng sáng tạo, ông vẽ cật lực như một người khổ sai. Tranh của ông luôn tạo ấn tượng và cảm xúc cho người xem bởi một ngôn ngữ hội họa vừa hiện đại vừa dân gian. Càng về sau, tranh của Bửu Chỉ biểu hiện những suy nghiệm ám ảnh dữ dội về thời gian, thân phận con người chông chênh giữa đôi bờ sinh tử, sự giằng xé của nỗi cô đơn, cái nhìn đầy chất thiền quán mang mang vô thường của kiếp người... Tập sách còn đăng tải gần 200 bức tranh và ảnh tư liệu của Bửu Chỉ.