Từ xưa tới nay, nhưng câu chuyện về cuộc đời và lao động sáng tạo của các văn nhân thi sĩ luôn được người đời chú ý. Sự thăng trầm ngang trái của kiếp người thì ai cũng từng nếm trải, đâu chỉ có văn nhân? Nhưng khác với người đời văn nhân coi những thăng trầm ngang trái đó như những trải nghiệm mà khi đã vượt qua thì nó lập tức được coi như một thứ vốn liếng để tiếp tục suy ngẫm, khám phá rồi từ đó mà viết nên những câu thơ những trang văn thấm đẫm nhân tình. Người đọc tìm được ở nhà văn nhà thơ sự tri âm, tri kỷ chính là từ những gì được chưng cất từ những trải nghiệm quý giá ấy.
Bạn đọc yêu văn chương thời nào cũng muốn lật qua mỗi trang sách để tìm những mã nguồn sáng tạo của mỗi tác giả. Ông ta (hay bà ta) đã sống như thế nào, có từng trải qua những gian nan, những đau khổ dằn vặt như những nhân vật mà ông ta sáng tạo nên hay không? Có lẽ vì thế nên những trang hồi ức, những nét phác họa chân dung, hay chỉ những cuộc đối thoại văn chương luôn thu hút được sự quan tâm của bạn đọc. Thậm chí có những thiên hồi ký, những trang chân dung của một nhà văn còn có sức hấp dẫn không kém gì những tác phẩm văn chương của chính nhà văn ấy. Trường hợp của nhà văn Tô Hoài, nhà văn Nguyễn Tuân là những ví dụ điển hình. Gần đây hơn, những câu chuyện từ sự trải nghiệm cuộc đời đến trang sách của nhà văn Lê Lựu, nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhà thơ nhà viết kịch Lưu Quang Vũ hay những giai thoại về nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng luôn lôi cuốn bạn đọc. Muốn hiểu được tác phẩm, trước hết phải hiểu được chính con người đã làm nên những tác phẩm ấy. Mà cuộc đời các văn nhân thì luôn được phủ một màn sương huyền bí?
Đã vậy, lao động nhà văn là một loại lao động đặc thù, nhiều khi cũng nhuốm màu huyền bí, khiến người ta càng cố gắng tìm cách lý giải thì nó lại càng mù mờ khó hiểu. Thí dụ, theo quy luật thông thường thì nhà văn càng có nhiều năm sáng tác, càng giỏi nghề, càng từng trải thì càng phải viết hay hơn. Nhưng oái oăm là không ít nhà văn cho đến khi đã về già, gối mỏi chân chồn rồi, đành buông ra một lời thú nhận: cuối cùng thì phải thừa nhận tác phẩm hay nhất trong cuộc đời cầm bút của mình lại là... những tác phẩm đầu tay! Một nghịch lý khác, cũng khá phổ biến, ấy là tác phẩm hay nhất của một nhà văn, nhà thơ nhiều khi lại không phải là tác phẩm mà ông ta (hay bà ta) dụng công nhất, lao tâm khổ tứ nhất mà lại là sản phẩm sinh ra trong một phút ngẫu hứng, thậm chí sinh ra sau một giấc mơ và được hoàn thành rất nhanh chứ không phải kỳ khu mài từng chữ như người đọc sau này hình dung?
Tất cả những bí ẩn, những khoảng mờ trong cuộc đời và lao động nghệ thuật của nhà văn làm nên sự hấp dẫn đặc biệt của Tuyển tập Câu Chuyện Văn Chương mà bạn đang có trên tay. Cộng thêm vào đó là những cuộc đối thoại, phỏng vấn, tranh luận văn chương vô tiền khoáng hậu giúp bạn có thêm nhiều thông tin và cảm thấy như mình đang can dự vào những biến động không ngừng của đời sống văn chương nghệ thuật, mà ở đó tranh luận và đối thoại luôn đồng nghĩa với sáng tạo và kiếm tìm chân lý.