Mùi Chữ tuyển chọn những bài phê bình văn học của nhà báo Nguyễn Hoài Nam. Anh công tác tại Ban Văn nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam, từng là biên tập viên kiêm người dẫn chương trình Diễn đàn Văn học Nghệ thuật và hiện nay đang thực hiện chuyên mục Tủ sách của chúng tôi trên kênh VTV1.
Cuốn sách đã cho thấy một diện mạo tinh thần có cá tính của người viết: một giọng văn có “chất” riêng, hấp dẫn và biết khơi vấn đề; một nền tảng kiến thức khá rộng; một tri giác bén nhạy với những gì khuất lấp dễ bị bỏ qua theo “cảm nghĩ thông thường” và khả năng khái quát hóa những vấn đề của đời sống văn chương đương đại, điều mà không phải cây bút phê bình nào cũng có thể đạt đến được.
Nếu như trong mảng chân dung, năng lực của người viết thể hiện ở việc phát lộ những gương mặt văn chương độc đáo nhưng bị khuất lấp như Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Huy Tưởng hay nhưng điểm mới của những “người quen” trong văn chương như Xuân Diệu, Hoài Thanh, Nguyễn Bính, Nguyễn Nhược Pháp, Trần Dần, Nguyễn Quang Thân, Lưu Quang Vũ, Hồ Anh Thái thì ở mảng phê bình, tác giả lại có biệt tài trong việc phát hiện vấn đề để làm lạ hóa những gì tưởng chừng như quá cũ, quá quen thuộc và không còn gì để nói. Chưa kể đến các sáng tác ở trong nước, chỉ điểm tên tác phẩm của nước ngoài mà anh lựa chọn đã thấy trường đọc của Hoài Nam rất rộng với một loạt tác phẩm của Haruki Murakami (Nhật Bản), Khaled Hosseini (Afghanistan), Atiq Rahimi (Pháp), Orhan Pamuk (Thổ Nhĩ Kì). Bên cạnh đó, khó ai có thể kìm lòng mà làm ngơ trước cách nhìn độc đáo của Hoài Nam về những khía cạnh mới mẻ như Gửi lệ vào thiên thu, Nhà Nho yêu như thế nào, Cuộc tìm kiếm bản thể con người hiện đại... Có thể nói, với phẩm chất của một nhà báo, Hoài Nam thực sự là người viết phê bình nhanh nhạy trong việc cập nhật và phát hiện vấn đề.
Điểm đặc biệt ở cuốn sách này là khả năng khái quát hóa được những vấn đề riêng của văn chương, đặc biệt là văn chương Việt Nam đương đại, trong việc đánh đổ những định kiến và suy nghĩ thông thường (Lệ thuộc sinh ra lực cản, Ám ảnh lò thiêu qua một vài cuốn tiểu thuyết, Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam: truyện kể hay tiểu thuyết?...) Với tư cách là một người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, Nguyễn Hoài Nam không hề né tránh, đã nhìn thẳng, nói thật về thực trạng văn chương đương đại (Văn chương ngày nay còn có thể làm được gì, Thơ trong một nước thơ, Sự lên ngôi của cận văn học, Phê bình văn học: về, để đi tới), về cả ba đối tượng chính của quá trình văn học là nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình và độc giả (Dũng khí của phê bình, Chúng ta cần gì ở các nhà văn trẻ, “Thực tế” với sáng tạo của nhà văn, Văn nhân với thị trường, Nghĩ về công chúng của nghệ thuật). Tất cả đều xuất phát từ một mong muốn thiết tha, chân thành của Nguyễn Hoài Nam với sự phát triển nền văn chương Việt Nam đương đại.
Mùi Chữ của Nguyễn Hoài Nam là một tác phẩm thể hiện rõ phong cách phê bình văn học trên báo chí, là cuốn tư liệu chứa đựng nhiều thông tin giá trị, và trên phương diện nào đó, sẽ khơi gợi giúp độc giả những tìm tòi mới về ý tưởng.
Tác giả
Nhà báo Nguyễn Hoài Nam có bút danh thân thuộc với độc giả và khán giả truyền hình là Hoài Nam. Anh sinh năm 1975, tại Hải Phòng. Sau khi tốt nghiệp Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 1997, anh về công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam, từng là biên tập viên kiêm người dẫn chương trình Diễn đàn Văn học Nghệ thuật – chuyên mục bám sát và cập nhật tình hình văn học nghệ thuật trên cả nước và hiện nay, anh đang phụ trách chuyên mục của VTV1 - Tủ sách của chúng tôi. Là một người yêu văn chương, bản thân anh lại là nhà báo, Nguyễn Hoài Nam đã có khoảng thời gian dài theo sát diễn biến tình hình văn học nghệ thuật trong nước, vì thế, các bài viết của anh thể hiện rõ phong cách phê bình văn học trên báo chí khi phát hiện nhanh nhạy các vấn đề, đưa các quan điểm cá nhân một cách rõ ràng và khá hấp dẫn.