Điếu Cổ Hạ Kim Thi Tập gồm hai phần là Điếu cổ thi tập và Hạ kim thi tập. Hai phần của quyển sách tương ứng với hai đối tượng được giới thiệu: phần Điếu cổ (Viếng người xưa) viết về 90 nhân vật hoạt động hay sinh trưởng ở Nam Kỳ đã qua đời trước 1914, trong đó có một số nhân vật lịch sử thời Đàng Trong và thời Nguyễn, phần Hạ kim (Mừng người nay) viết về 138 trí thức, nhân sĩ, điền chủ, doanh nhân, hòa thượng, linh mục ở Nam Kỳ còn sống lúc bộ sách được biên soạn. Nhưng ngay những nhân vật thời Nguyễn còn sống lúc thực dân Pháp xâm lược Việt Nam năm 1858 như Phan Thanh Giản, Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Đình Chiểu, Tôn Thọ Tường trong phần Điếu cổ cũng chỉ có vài người, nên có thể nói tác phẩm này chủ yếu viết về nhân vật Nam Kỳ dưới thời Pháp thuộc. Mỗi nhân vật được giới thiệu trong một mục từ, mỗi mục từ được chia làm hai phần chính, phần trước là tiểu sử của họ, phần sau là một bài thơ điếu hay hạ của Nguyễn Liên Phong, đều là thơ Đường luật hoặc thất ngôn hoặc ngũ ngôn, có khi là ngũ ngôn bài luật (ngũ ngôn trường thiên), có trường hợp như Nguyễn Hữu Cảnh còn có thêm một đôi câu đối. Pigneaux de Béhaine có thêm một đoạn thơ song thất lục bát, hay Võ Tánh, Lê Văn Duyệt thì có tới hai bài thơ điếu...
Là một quyển sách loại “Who's Who” viết cả về người đương thời đầu tiên ở Việt Nam, Điếu Cổ Hạ Kim Thi Tập có thể được xếp vào loại sách Nhân vật chí của khoa sử học. Nhưng từ tiêu chuẩn nghiêm ngặt của sử học hiện đại đối với việc biên soạn tiểu sử nhân vật thì tác phẩm này chỉ có một giá trị dưới mức trung bình, vì hầu hết tiểu sử các nhân vật được đưa vào đều sơ lược về nội dung đồng thời chưa chính xác về chi tiết. Cho nên ngoài thiếu sót như chính tác giả thừa nhận “bên Điếu bên Hạ còn sót nhiều người lắm”, quyển sách còn có rất nhiều nhược điểm. Chẳng hạn ngoài một sô nhân vật mà tiểu sử đã được Quốc sử quán triều Nguyễn đưa vào các bộ Đại Nam Liệt truyện Tiền biên, Đại Nam Chính biên Liệt truyện sơ tập mà Nguyễn Liên Phong sử dụng, nhiều nhân vật trong phần Điếu cổ như Nguyễn Đinh Chiểu, Nguyễn Văn Lạc (Học Lạc) chủ yếu chỉ được ghi chép theo lời kể của người đương thời...