Dân gian có câu “Đàn ông nông nổi giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Ai khôn, ai dại và thế nào là dại, thế nào là khôn có lẽ chỉ khác nhau về quan niệm. Đàn bà thường vất vả mang nặng đẻ đau, lo toan việc nhà việc cửa. Đàn ông thường rung đùi nhả khói, rượu bia với vẻ ngoài thảnh thơi an nhàn. Vậy ai là “kẻ dại người khôn”?
Đàn ông ngày đêm lao tâm khổ tứ kiếm tiền nuôi sống gia đình nhưng họ vẫn bị ca cẩm, cằn nhằn suốt ngày. Đàn ông luôn phải cứng rắn, bản lĩnh trong mọi hoàn cảnh kể cả lúc “lâm trận” phòng the. Ngoài xã hội, họ lại phải phấn đấu bon chen để vợ mở mày mở mặt “võng anh đi trước, võng nàng đi sau”. Vậy so với phái yếu, xem ra họ “dại khờ” hơn rất nhiều. Đàn ông không chỉ dại trong “nhà”, họ còn có vô số cái dại ở ngoài “chợ”. Nhẹ nhất phải chịu cô vợ cắm sừng làm ngơ, ngây ngô hơn thì mang vợ đi đãi khách. Vì bệnh sĩ, khối kẻ quăng đi cả sự nghiệp hay sợ vợ đến mức quên hẳn báo hiếu mẹ cha. Chạy theo sắc đẹp bỏ rơi gia đình thậm chí bỏ mạng trong chuồng ngựa, xem ra đàn ông có vô số cái dại lớn bé. Chỉ riêng cái “dại khờ” với đám chân dài, yêu nữ cũng được lưu chép ngót ngàn cuốn sách. Vậy điều gì khiến đàn ông luôn thích “dại” với đàn bà ngót ngàn năm như vậy?
Không thể quy kết mỹ nữ là nguyên nhân gây ra những cái “dại” của đàn ông, bởi vắng họ thế giới sẽ buồn tẻ nhường nào. Dù ngậm ngùi trước thân phận cay cỉắng của nàng Kiều của Nguyễn Du, và quan niệm xã hội thế nào, khách quan ta vẫn phải thừa nhận, kĩ nữ luôn có vẻ đẹp hấp dẫn và tài năng khác biệt thu hút cánh đàn ông ghê gớm.
Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy nghề kĩ nữ đã song hành với xã hội loài người từ thượng cổ. Nhưng thực tế không phải cô gái nào cũng có thể trở thành kĩ nữ. Học giả giới tướng pháp từ lâu đã coi kĩ nữ - những phụ nữ có nét đặc thù riêng cần nghiên cứu. Có thể bạn đọc bị bất ngờ khi biết trong mọi xã hội, người kĩ nữ luôn được đào tạo để có thể truyền tải được những nét văn hóa địa phương, dân tộc cho môn khách. Đó là gì nếu không phải là kĩ năng “cầm kì thi hoạ” của nữ giới Phương Đông. Trong đó, kĩ nữ không nhất thiết phải giao hoan với đấng mày râu khi họ không thích. Nói như thế, lao động tình dục đôi khi chỉ là một phần nhỏ, một biến tướng của nghề kĩ nữ mà thôi. Chẳng những thế, tổng thống Viên Thế Khải ở Trung Hoa Dân quốc từng có 3 vợ đều xuất thân từ kĩ nữ.
Phần đầu cuốn sách là các bài viết của một số tác giả về phận hồng nhan, nỗi lòng cay đắng, ước nguyện hoàn lương và cả khí phách trung trinh của kĩ nữ. Từ đó người đọc sẽ có cái nhìn đa chiều về thân phận “ba chìm bảy nổi, chín long đong” của những người làm nghề mua vui cho đời.
Phần chính cuốn sách thử điểm về những cái “dại khờ của đàn ông từ trong nhà ra đến ngoài chợ” với thế giới đàn bà qua những ghi chép lịch sử phong kiến xưa.
Từ cổ chí kim dân gian từng coi "Sắc đẹp là mầm mống của tai họa" - nhưng đây là những tai họa ngọt ngào. Bề ngoài tình đời có vẻ đa truân, nhưng tình cảm bên trong thì lại vô cùng thi vị. Vì thế rất ít đàn ông nào từ chối hương vị của trời này.
Trong 40 câu chuyện lịch sử chân thực, hấp dẫn, lí thú, vai trò kĩ nữ trong những cái “dại” của đàn ông được hé lộ. Từ đó bạn đọc cảm nhận được sức mạnh mềm tồn tại bên trong thế giới “chân yếu tay mềm” đặc biệt này. Có thời người kĩ nữ bị lên án là những “Hồ ly tinh” chuyên quyến rũ đàn ông, nhưng có lẽ còn lâu lắm đàn ông mới tỉnh ngộ.