So với những Donkyhote của Xecvăngtét (Tây Ban Nha), Thần Khúc của Đantê (Italia), những vở kịch của Sêxpia (Anh) hay chuyện cổ tích của Anđécxen (Đan Mạch)... cùng một số tác phẩm văn học được coi là bất tử khác thì Truyện Kiều của Nguyễn Du, tượng đài vô song trong nền văn học Việt Nam được thế giới biết đến có phần muộn hơn. Hẳn đó là vì thực trạng của sự giao lưu giữa các khu vực trên trái đất, khả năng lan tỏa của các ngôn ngữ khác nhau được xác định bởi những điều kiện lịch sử nhất định. Chỉ từ cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, khi những chế độ xã hội ở phương Đông, không loại trừ chế độ thuộc địa, dần có được sự ổn định, dù là tương đối và tạm thời, ngành Đông phương học hoạt động có hiệu quả, nền văn hóa của nhiều nưóc châu Đông, bắt đầu được nghiên cứu có bài bản, bởi chính các học giả phương Tây, thì các di sản văn học dân tộc ở đây, với những giá trị không thể chối cãi, mới dần dần được nói đến, trong đó có Truyện Kiều của Nguyễn Du. Đặc biệt từ ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rồi Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, khi sự giới thiệu và quảng bá nền văn hóa dân tộc ra cả thế giới, trở thành một việc làm có ý thức của cả một Nhà nước và một cộng đồng, rồi sự kiện Nguyễn Du được Đại hội đồng UNESCO tôn vinh là Danh nhân Văn hóa Thế giới, thì Truyện Kiều thực sự đến với người đọc khắp năm châu, dưới nhiều hình thức khác nhau, từ những bản dịch cho đến những bài nghiên cứu, giới thiệu, tuy rằng, như trong tất cả những trường hợp giao lưu văn hóa quốc tế khác, sự khác biệt ngôn ngữ vẫn là một rào cản đáng kể.
Một điều rất đáng chú ý trong hiện tượng "Truyện Kiều nổi lên" này, là sự góp mặt và góp sức của khá nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa và văn học.
Cuốn sách này chỉ mới ghi nhận được một phần rất nhỏ trong những đóng góp đó. Bên cạnh tình cảm, sự ngưỡng mộ đối với một kiệt tác văn học, một thiên tài sáng tạo, và cũng là đối với một dân tộc, một nền văn hóa, thì những tác giả được giới thiệu với bạn đọc ở đây, vốn đến từ các nền văn hóa khác nhau, mang theo những đặc điểm khác nhau của nhãn quan văn học hay cảm thụ nghệ thuật, chí ít cũng sẽ đem lại cho chúng ta những quan sát, suy ngẫm hay gợi mở bổ ích.
Điều làm cho các học giả nước ngoài ngạc nhiên trước hết là sự phổ cập rộng lớn của Truyện Kiều trong nhân dân Việt Nam qua nhiều thế hệ kế tiếp nhau, một sự phổ cập không tính đến trình độ học vấn, thân phận xã hội, tuổi tác và nghề nghiệp. Khi cuốn sách thơ đã trở thành vật “bất ly thân” từ chốn thôn cùng ngõ hẻm cho đến nơi phồn hoa đô hội và cả những ngưòi mù chữ cũng thuộc lòng tất cả hay nhiều đoạn trong đó, thì nó không còn dừng lại ở số phận một tác phẩm văn học quen thuộc và khi người ta sử dụng nó để diễn trò, để ru con và cả để bói toán thì hẳn giới hạn tác dụng của văn học cũng đã bị vượt qua. Cái vinh quang to lớn đến mức kỳ lạ đó của một sáng tạo nghệ thuật thì bất kỳ một tác phẩm nào trong những tác phẩm lừng danh mà ta vừa kể ra ở đầu bài viết này cũng không có được.
Và có thể nói rằng, nội dung chủ yếu trong các công trình nghiên cứu hay bài giới thiệu của các học giả nước ngoài chính là nhằm lý giải hiện tượng đời sống văn học gần như độc nhất vô nhị trên đây.
Trong trường hợp một tác phẩm văn học thuộc một ngôn ngữ khác và một nền văn hóa khác thì, theo lôgic của tư duy nghiên cứu, các học giả nưóc ngoài trước hết tìm đến những giá trị của tác phẩm mang tính chất chung cho toàn nhân loại - những giá trị của tinh thần nhân văn, của chủ nghĩa nhân đạo - được coi là thấm nhuần toàn bộ Truyện Kiều, qua những dòng chữ miêu tả số phận của người con gái tài sắc vẹn toàn và cái môi trường xã hội vây quanh nàng...