Truyện Kiều, (nói đến văn thơ nước ta là phải nói đến Truyện Kiều) là một áng thơ cổ điển hay lãng mạn? Tượng trưng hay tả thực? Tưởng khép nó vào một phái hệ nào, thì cũng có một ít lý do. Nhưng một sự thực rất rõ rệt là trong Truyện Kiều, nhà thi sĩ đã ghi lại những tia hồi quang của cả một xã hội, một thời đại. Đồng thời, tác giả cũng luôn luôn ngụ ý bao biếm, phẩm bình trong những lời văn không ám muội tý nào. Không cần dẫn ra đây những bức họa, hoạt họa về đời sống vật chất và tinh thần của xã hội phong kiến Á đông làm gì. Chúng ta có thể nhận thấy trong truyện cách ăn ở, lối thù tiếp, sự sinh hoạt vật chất và tinh thần của cả một xã hội trong những ngày vui vầy, hoặc những hồi buồn tẻ, từ chốn buồng the của một nhà “bực trung”, cho đến trong lâu đài quý tộc, hoặc cửa hàng buôn phấn bán son của “mụ nào”, hoặc nơi “gươm lớn dáo dài” nữa... Nhưng trước bấy nhiêu sự trạng, đối với những khái niệm cương thường đạo lý, trước thực tế xã hội, Nguyễn Du có phải là một tâm hồn lạnh ngắt, một tâm trạng thoát tục đến nỗi ngoảnh mặt làm thinh với sự đời hay không? Kể ra lãnh đạm cũng là một lối phê bình rồi. Nhưng thái độ phê phán của nhà thi sĩ Tiên điền vẫn bao hàm một ý nghĩa xã hội và chính trị. Tả được bộ điệu của một chàng sở, một mụ Tú, một cụ Tổng đốc Hồ, cũng tức là gây nên trong buồng tim độc giả những ấn tượng chắc chắn về giá trị của nhân vật, của một chế độ, của cả một ý thức hệ...