Cái hay của truyện “Kiều” không ai là không cảm thấy. Nhưng hiểu biết cho hết cái hay ấy là một điều rất khó, mà giải thích cho hết cái hay tinh vi uẩn áo ấy lại là điều khó nữa. Xưa nay quả chưa có ai hiểu biết và giải thích truyện “Kiều” đến một trình độ thỏa mãn. Văn học giới nước ta ngày nay cần phải có sự nghiên cứu chuyên môn về truyện “Kiều ” thì mới phát huy được hết chân giá trị của áng văn bất hủ ấy. Tôi vốn không phải chuyên nghiên cứu truyện “Kiều”, lại cũng không chuyên nghiên cứu văn học, đâu dám tưởng càn rằng mình đã hiểu biết truyện “Kiều”! Duy cái nghề dạy học bắt tôi mỗi năm ít ra cũng phải giảng học về truyện “Kiều” trong một tháng (mỗi tuần một hay hai giờ), cho nên tôi thường có cơ hội để đọc đi đọc lại sách ấy và kê cứu về Nguyễn Du. Càng kê cứu càng tức tối vì nỗi tài liệu thất lạc, nhưng đọc đi đọc lại thì mỗi lần cảm thấy cái hay mới; dẫu sao cái hay mình cảm được mới là trong muôn một của cái hay vô cùng, mà đã đủ khiến mình thấy tinh thần khoan khoái và chứa chan hy vọng rồi. Cải thú vị ấy khiến tôi phải ghi chép những điều sở đắc thành bài. Nhưng trước khi đem những bài ấy ra in thành sách, tôi đã do dự mãi, vì chỉ sợ rằng tập sách nhỏ này sẽ có cái tác dụng tai hại là làm cho những bạn đọc trẻ tuổi mới bắt đầu nghiên cứu quốc văn sẽ tưởng lầm rằng cái hay của truyện “Kiều” chỉ có bằng ấy mà thôi. Vậy tôi xin thanh minh một điều là trước khi đọc tập sách này, xin bạn đọc biết cho rằng nó chỉ là tóm góp những điều thiển cận tôi từng giảng cho các học trò để gắng chia sẻ cho họ một chút hứng thú của tôi đối với kiệt tác của Nguyễn Du, chứ chân giá trị của truyện “Kiều” tôi không có tài hiểu và nói hết được.
Đào Duy Anh