...Một dòng sông trong mát.
Ta thả mình trong sông. Dòng sông mơn man ta. Dường như ta tan ra. Sạch sẽ. Thanh lọc. Hồn ta hòa với sông là một đi suốt từ ngọn nguồn tới bể cả. Dòng-sông-ta đi qua những khe núi, chẳng được bao la nhưng cũng đầy róc rách. Dòng-sông-ta lượn qua những cánh đồng, chẳng dập dồn nhưng thênh thang quá. Qua những phố xá, chẳng được thăm thẳm mà sao náo nhiệt. Hòa với biển rồi mới thấy mình chỉ là giọt nước giữa nghìn trùng. Để rồi lại bắt đầu một kiếp luân sinh.
Trái Đất ba phần tư nước mắt
Đi như giọt lệ giữa không trung!
Đoạn đường nào mà sông ta chẳng đẹp, đẹp đến nhức nhối. Đâu nào có thương đây mà chán đó. Nào đâu có biết ta đã hóa thành sông hay sông đã hóa thành ta.
Cũng chỉ bởi vì ta muốn tắm.
Cũng chỉ vì đời sao mà lắm hồng trần.
Tôi vốn là kẻ kém tắm. Hạ tuần đôi lượt. Đông tháng đôi lần. Bẩn quá thì chỉ rửa chân hay đi gội đầu lại thấy mình sạch như mới tắm. Kém tắm thế thì chưa văn minh rồi. Nhưng ở đời cái sự tắm rửa nhiều ít còn do anh có lấm nhiều bụi trần hay không. Đã thế có kẻ còn bảo rằng anh tắm ít vì do trong lòng anh đã sáng sủa tinh tươm rồi, nên không bao giờ cái cảm giác bẩn nó ám ảnh, và ngoài người có bẩn anh cũng không hay. Cái thằng cha làm cái thanh cao trong mình được ve vuốt đâm ra mình khoái và cảm thấy cái sự kém tắm của mình cũng đáng tự hào đầy bản sắc văn hóa thế gian.
Hình như tại đời lắm bụi trần.
Nhưng, cũng chỉ vì kém tắm mà tôi đâm ra hay để ý, nghĩ ngợi về chuyện tắm rửa. Hình như là luật bù trừ, hễ kém tắm bên ngoài là hay khá tắm bên trong. Người ta tắm bởi vì muốn sạch. Mà muốn vậy bởi tại người ta bẩn. Thì ra bẩn là khởi đầu của sạch. Sạch là ngọn nguồn của bẩn…
ĐẶNG THÂN, “Mộc Dục Luận”
Một cách tiếp cận vừa từ bên trong vừa từ bên ngoài, vừa khoa học vừa nghệ thuật, với tri thức phong phú từ các nền văn hóa khác nhau và hệ phê bình khác lạ nhưng không quên tri thức khu vực truyền thống. Những góc nhìn vừa mới lạ, vừa trẻ trung đối với các tác giả đương đại của văn học Việt Nam.
- Trần Ngọc Vương
Đọc văn Đặng Thân, có lẽ phải bỏ thói quen dung túng ngôn ngữ chuẩn tắc, mà phải “xuyên” qua cái vỏ của nó, bằng bất cứ giá nào, để thấu tận lõi, phải “sang sông”.
- Nguyễn Bảo Chân
Đặng Thân là một chủ thể khác; vượt lên trên những chủ thể chấn thương.
Đặng Thân là một vũ trụ khác; vũ trụ vượt ra ngoài mọi cõi buồn vui.
Đặng Thân là một tiếng nói khác; tiếng nói không lẫn vào dàn sắc giọng đám đông.
- La Khắc Hòa (Lã Nguyên)
Thoạt nhìn, Dị-nghị-luận|Đồng-chân-dung người ta có cảm tưởng rằng, cuốn sách có hai phần chính, riêng biệt, là nghị-luận và chân-dung, còn chữ đồng, dị chẳng qua chỉ là cái thú chơi chữ, vốn rất rậm rịt, của Đặng Thân.
Nhưng, đọc vào rồi thì thấy hình như không phải như vậy. Dị-nghị-luận, là một thứ nghị luận khác, khác với những gì đã trở thành định kiến, nhất phiến, rắn đặc. Còn đồng-chân-dung thì, tuy viết về một chân dung, nhưng lại cứ lẩn khuất nhiều chân dung, của người khác đã đành, mà còn của chính người đó. Hơn nữa, cắc cớ hơn, nghị luận và chân dung lại hòa trộn vào nhau: trong nghị luận có chân dung, trong chân dung có nghị luận, tạo ra sự bội trùng những mắt lưới giăng mắc vào nhau.
Đó là lối-viết-Đặng-Thân. Một lối viết không triển khai dọc theo chiều liên kết, kế tiếp, mà mở rộng theo chiều lựa chọn bởi những trích dẫn, bình luận ngoại đề, danh ngôn Đông Tây kim cổ, những quy chiếu về thực tại sống sít. Nó làm cho long mạch văn bản cứ tưởng như bị chặt đứt, rời ra thành những mảnh, đoạn. Thế là người đọc ăn sẵn ở ta hoặc tự mình phải nhọc công ghép lấy một con rồng hoàn chỉnh cho mình, hoặc cứ để cho hình tượng long ẩn tự hình thành ở mỗi mảnh đoạn. Như vậy, ở lối viết này, bầu trời với tư cách là cái tổng thể, không nằm ở đại dương mà trong giọt nước.
Mỗi chân-dung-nghị-luận hoặc nghị-luận-chân-dung của Đặng Thân là một giọt nước. Nhưng được viết với lối đặc tả. Nghĩa là, tóm lấy một điểm cốt yếu, miêu tả và diễn giải nó ra. Thế là hình thành một lịch sử chân dung. Mà mỗi chân dung thì có một lịch sử riêng. Cả cuốn sách, vì thế, là những lịch sử, lịch sử số nhiều. Các lịch sử này vừa tồn tại song song, vừa xoắn luyến vào nhau tạo thành một thế giới đa chiều kích, đa giọng điệu. Nó là một cái nhìn khác của Đặng Thân so với 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần], nhưng lại là một diễn giải cùng cho thứ chân-dung-đồng-dị-Đặng-Thân.
Tuy vậy, quyển sách của Đặng Thân không kén đọc, mà là một cuốn sách cho mọi người. Bởi lẽ, ai cũng tìm thấy trong sách một điều gì đấy của mình và cho mình. Hay, ít nhất, nó cũng hấp dẫn người ta ở một văn phong độc đáo, sôi nổi và ít nhiều khiêu khích.
- Đỗ Lai Thúy, “Bầu trời trong giọt nước”
Về tác giả:
Đặng Thân là nhà thơ song ngữ, nhà văn nổi tiếng ở Việt Nam về tiểu thuyếthư cấu, truyện ngắn và tiểu luận. Giới phê bình Việt Nam đánh giá ông là "điển hình của văn họchậu-đổi mới", những tác phẩm của ông đã "tạo ra bước ngoặt quan trọng bậc nhất về lối viết trong văn học Việt Nam". Báo chíMỹ thì nhận định: "In the literary circles he runs in, Dang is praised for his idiosyncratic prose and rebellious style" (Trong những dòng văn chương ông theo đuổi, Đặng Thân được ca ngợi nhờ có giọng văn rất độc đáo và phong cách nổi loạn). Đặng Thân vừa dạy học vừa sáng tác bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh; ông là tác giả của các tác phẩm Ma Net, Tiền vệ phụ âm thư và 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần].