Cùng với Lý thuyết hỗn độn, tính ngẫu nhiên và phi tất định đã tràn ngập không chỉ trong thế giới hằng ngày của chúng ta mà cả trong thế giới các thiên hà. Và sự phát triển của những ý tưởng dẫn tới quan niệm mới đó về thế giới đã được vạch ra thật rõ ràng trong cuốn sách Hỗn Độn Và Hài Hòa, bằng một ngôn ngữ giản dị, thông qua những ví dụ được rút ra từ vật lý thiên văn, vật lý học, sinh học và toán học.
Tác phẩm được viết đơn giản để ngay cả người không có nền tảng kiến thức về kỹ thuật cũng hiểu, và đặc biệt dành cho những ai tò mò muốn biết không chỉ những điều kỳ lạ mới nhất của khoa học ở thế kỷ XX mà cả hệ quả triết học và thần học của chúng.
Nội dung quyển sách được bố cục như sau:
Chương I nói về chân lý và cái đẹp. Hoạt động khoa học thường bị coi là lạnh lùng và phi nhân tính, không có bất kỳ một tình cảm thẩm mỹ nào. Sự thật không phải như vậy.
Chương II kể về lịch sử của Hệ Mặt trời để minh chứng rằng thực tại là cái được xác định, ở mọi cấp độ, bởi tác dụng phối hợp của cả cái tất định và cái bất định, của cái ngẫu nhiên và cái tất yếu. Khi nghiên cứu sự ra đời của Mặt trời và các hành tinh, chúng ta phát hiện ra rằng những va chạm của các thiên thạch với Trái đất không chỉ là nguyên nhân tạo ra vẻ đẹp của hoa mùa xuân và ánh sáng êm dịu của Mặt trăng, mà còn là nguyên nhân tồn tại của chính chúng ta nữa.
Chương III diễn tả lý thuyết hỗn độn. Bằng các ví dụ rút ra từ vật lý thiên văn, từ khí tượng học, kinh tế học, sinh học và cả y học nữa, chúng ta có thể thấy hỗn độn đã giúp cho Tự nhiên thực hiện được các tiềm năng của nó để làm ra thực tại như thế nào.
Chương IV chứng minh rằng Tự nhiên đã sử dụng các nguyên lý đối xứng tinh tế để áp đặt một sự thống nhất sâu sắc như thế nào đối với thế giới vật lý. Chẳng hạn, các nguyên lý đối xứng đã cho phép chúng ta thống nhất điện với từ, thời gian với không gian. Chúng ta cũng sẽ tới thăm các “lỗ đen”, ở đó cặp thời gian - không gian đã đạt tới trạng thái kỳ lạ nhất của nó.
Trong Chương V chúng ta đi vào thế giới các nguyên tử. Chúng ta sẽ thấy rằng ngự trị tại đây là sự nhòe lượng tử, và thực tại không còn là khách quan nữa mà phụ thuộc vào người quan sát. Chúng ta củng sẽ xem xét các nguyên lý đối xứng đã giúp chúng ta thiết lập trật tự trong sự đa dạng đáng ngạc nhiên của các hạt, và làm cho chúng ta tiến gần đến lý thuyết thống nhất các lực cơ bản của Tự nhiên như thế nào. Chúng ta sẽ mô tả lý thuyết mới nhất nói rằng các hạt cơ bản chỉ là sự dao động của các “dây” cực nhỏ trong một không-thời gian mười chiều!
Chương VI mô tả Tự nhiên đã thực hiện sự sáng tạo như thế nào khi mà hỗn độn và sự nhòe lượng tử đã trao cho nó tự do. Chúng ta cũng xem xét việc Tự nhiên thực hiện các tiềm năng chứa đựng trong các quy luật vật lý, để sáng tạo sự sống ra sao. Chúng ta sẽ thấy rằng sự sống trong bất kỳ trường hợp nào cũng không thể được cắt nghĩa theo cách nhìn thuần túy quy giản luận: cơ thể sống lớn hơn tổng của các nguyên tử và phân tử cấu tạo nên cơ thể đó. Ở đây chúng ta phải cần đến các nguyên lý “đột sinh” của sự tự tổ chức và tính phức tạp. Các nguyên lý này tác động theo cách tổng thể, trên quy mô toàn cục của cơ thể đó.
Chương VII bàn về “tính hiệu quả đến phi lý” của con người trong việc tìm hiểu vũ trụ. Không chỉ các quy luật vật lý được điều chỉnh một cách cực kỳ chính xác để cho sự sống xuất hiện, mà nó còn cho phép xuất hiện cả ý thức nữa. Tại sao các quy luật này lại có một bản chất toán học? Phải chăng con người tìm hiểu vũ trụ để đem lại cho nó một ý nghĩa?