Với nhiều thể loại phong phú, tập văn này đã cung cấp cho chúng ta thêm một góc nhìn khác để tìm hiểu, nhìn nhận ra những khía cạnh mới của Cao Xuân Dục. Bằng những bức thư, bản tấu, Cụ đã trình bày phát biểu trực tiếp những tư tưởng, quan điểm của một trung thần về nhiều lĩnh vực chính trị, xã hội, lịch sử, văn hóa giáo dục v.v... trong hoàn cảnh đất nước đang ở buổi giao thời từ chế độ phong kiến chuyển sang nửa phong kiến nửa thực dân và vào thời kì nước nhà lạc hậu bắt đầu tiếp xúc với những yếu tố văn minh phương Tây. Chính từ những bài viết này, ta mới thấy được rõ ràng hơn hình ảnh một vị quan cần mẫn, có năng lực và đầy đủ tinh thần trách nhiệm với trọng trách được giao phó, thể hiện qua những toan tính cắt đặt chi tiết tỉ mỉ, và cá biệt có cả trường hợp áp dụng tới những phương pháp đo đếm tính toán chính xác mang tính khoa học, điều ít thấy được ghi lại ở những quan lại thời phong kiến. Ở một khía cạnh khác, cũng từ con người ấy ta còn nhận ra một tình cảm hết mực trung thành với quê hương và đất nước nói chung, với triều đình và nhà vua nói riêng, thân thiết với bạn bè đồng liêu, yêu thương đằm thắm với vợ con và người thân trong gia đình. Lại nữa, những bài văn đơn lẻ này cũng là dịp để cụ Cao thể hiện trình độ Nho học sâu sắc uyên thâm, năng lực sử dụng kho tàng kiến thức của đạo Khổng Mạnh thông qua những tư tưởng và điển cố lấy từ cổ tịch Thi, Thư được dẫn dụng dày đặc nhưng rất chuẩn xác đúng việc đúng chỗ. Tất cả những điều trên đây có thể có phần khó thể hiện ở những bộ sách hoàn chỉnh khác của Cao Xuân Dục, do sự qui định chặt chẽ đối với kết cấu nội dung cũng như về bút pháp văn phong riêng biệt của chúng.