Là một kiệt tác văn chương, Truyện Kiều -Đoạn trường tân thanh (tiếng kêu mới về nỗi xé lòng, đứt ruột) cùng nàng Kiều đã đi vào mọi nẻo đường sinh hoạt văn hoá của dân tộc, từ án sách, bờ tre, xưởng máy đến chiến trường, từ miền ngược, miền xuôi, biển rộng đến đảo xa.
"Khúc Nam âm tuyệt xướng" ấy của thiên tài Nguyễn Du, ngay từ khi chào đời cho đến nay vẫn luôn được nhân dân yêu chuộng và hầu như là nơi hội tụ cảm xúc, thử thách trí tuệ, tài năng của bao lớp người cầm bút. Nó có sức hấp dẫn và sức sống mãnh liệt.
Việc tìm hiểu, khám phá kiệt tác có tầm cỡ nhân loại này vẫn liên tục tiếp diễn, bền bỉ và dài lâu.
Đến với Truyện Kiều có “đường đi muôn ngả”, từ xưa đến nay khi bàn về tác phẩm đã có nhiều ý kiến sâu sắc, nhiều công trình nghiên cứu có giá trị ở nhiều khía cạnh, nhiều góc độ, nhiều bình diện khác nhau. Và những cuộc hành trình đi tìm một nàng Kiều, một Kim Trọng, một Từ Hải... một Hoạn Thư, một Hồ Tôn Hiến... đích thực của Nguyễn Du vẫn luôn là “miền đất hứa’' cho các nhà phê bình, cho các công trình nghiên cứu cả trong và ngoài nước.
Bộ sách Các nhà nghiên cứu, các thi nhân viết về Truyện Kiều được biên soạn nhân dịp thành lập Hội Nghiên cứu Truyện Kiều Việt Nam (gọi tắt là Hội Kiều học Việt Nam) và chuẩn bị hướng tới kỷ niệm 250 năm năm sinh của đại thi hào Nguyễn Du (1765-2015).
Bộ sách sẽ tiếp tục góp phần khẳng định vị thế của kiệt tác Truyện Kiều - một “quốc hoa, quốc hồn, quốc túy” Việt Nam, cùng tên tuổi đại thi hào Nguyễn Du mãi lấp lánh và tỏa sáng.