Nguyễn Duy Cần hiệu là Thu Giang, sinh ngày 15-7-1907 tại làng Điều Hòa, tổng Thuận Trị, Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Ông là học giả nổi tiếng Việt Nam vào khoảng những năm 50-60 của thế kỷ trước.
Sách ông biên soạn bao gồm các thể loại học làm người, nghệ thuật sống, chuyên khảo, Dịch Đạo.
Ông còn tham gia viết báo và dạy học, ông từng là giáo sư của trường Đại học Vạn Hạnh và là trưởng ban triết Đông của Đại học Văn khoa Sài Gòn (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh).
Nhìn lại các tác phẩm ông đã xuất bản, chúng ta thấy ông chuyên về triết học, nhất là triết học Đông Phương. Ông là một học giả chuyên về bề sâu, lại có lập trường tư tưỏng riêng biệt, không theo xu hướng thời thượng.
Ông thường có cái nhìn “tổng quan” và xem xét sự vật theo nguyên tắc sau đây: “Đừng bao giờ nghiên cứu một sự vật, sự kiện nào dưới một phương diện mà phải luôn để ý đến bề trái của nó”. Lập trường này của ông, ta thấy thể hiện rõ rệt trong những quyến Thuật xử thế của người xưa và nhất là trong Cái dũng của Thánh nhân cũng như bàng bạc trong hầu hết các tác phấm của ông.
Những năm cuối đời, Thu Giang không tiếp tục viết sách mà lui về ỏ ẩn. Năm 1991, ông chuyển về sống ồ quận Bình Thạnh và mất tại đây vào năm 1998, để lại cho đời nhiều bộ sách có giá trị.
Trích đoạn
“Sự vật ở đời đâu phải luôn luôn như thế này, hay luôn luôn như thế kia đâu. Thảy đều là một sự thay đổi không ngừng. Điều mà mình cho là phải hôm nay, biết đâu ngày mai lại thành một sự quấy. Cái lợi hôm nay, biết đâu sẽ là cái hại của ngày mai.”
Trích "Thuật xử thế của người xưa"
"Ở đời, hễ có "sinh" thì có "tử", có "lợi" tất có "hại", có "nên" tất có "hư". Muốn có lợi mà không có hại, có nên mà không có hư, có sinh mà không có tử là người hết sức mê loạn.
Nhưng mà con người thường chỉ muốn có nên, có lợi mà không có hư có hại, cho nên đối với sự đời không thể gìn giữ đặng sự điềm tĩnh. Đặng thì sướng, mất phải khổ. Nên mà vui thì hư tất phải buồn. Tâm trí con người bị mắc trong cái vòng lẩn thẩn của cái sợ, làm gì không sinh ra khiếp nhược được..."
Trích "Cái Dũng Của Thánh Nhân"
“Những tâm hồn ích kỷ không làm sao hiểu nổi thuật yêu đương, chỉ gồm trong câu này: Yêu là quên mình, là hy sinh, là tìm hạnh phúc cho ngưòi. Trái lại, nếu yêu là đi tìm hạnh phúc cho mình, chứ không nghĩ đến hạnh phúc của kẻ khác, thì yêu sẽ không mưu được hạnh phúc gì cho ai tất cả. Ích kỷ là nguồn gốc của đau khổ."
Trích “Thuật yêu Đương”.