Tiểu thuyết trên đường đổi mới nghệ thuật gồm 14 chương, chia thành 4 phần, đề cập đến những thử nghiệm tìm tòi đổi mới của các nhà văn nước ngoài và phần nào cả trong nước qua một số tác phẩm được dư luận đánh giá cao và chủ yếu xuất bản những năm gần đây. Cuốn sách triển khai men theo các chủ điểm được lựa chọn làm tiêu đề cho các phần (Bên lề thể loại tiểu thuyết, Mở rộng đường biên thể loại, Từ nhà văn đến nhân vật, Mấy vấn đề về lý thuyết). Đan xen vào công trình là 45 chân dung các nhà văn hoặc những tranh ảnh minh hoạ liên quan.
Nghiên cứu và phê bình luôn đi song hành với nhau. Trong nghiên cứu không thể không có phê bình. Phê bình thì có khen có chê; nhưng trong cuốn sách này, để khám phá những tìm tòi đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết, chủ yếu cố gắng tìm ra những cái hay cái đẹp đóng góp của các tác giả, nên chúng tôi không nặng về mặt phê phán. Chúng tôi rất tâm đắc với ý kiến của nhà văn, nhà phê bình nghệ thuật Pháp thế kỷ XVIII Denis Diderot: “Có loại nhà trường mà tôi chắc hẳn sẽ gửi các học trò của tôi tới học, đó là loại trường ở đấy người ta dạy cách nhìn cái tốt và nhắm mắt trước cái xấu. Này! anh chỉ thấy trong Homère đoạn nhà thơ miêu tả những trò trẻ con chán ngấy của chàng Achille thôi ư? Anh khuấy cát của một dòng sông cuốn trôi những vẩy vàng rồi trở về với hai bàn tay đầy cát, còn bỏ lại vẩy vàng”. Vì vậy, chúng tôi mở đầu cuốn sách bằng bài “Diderot nhà phê bình nghệ thuật”, xem như đề ra một phương châm, tuy bài đó chẳng liên quan gì đến tiểu thuyết hiện đại.