"Dân tộc Việt Nam là một trong những dân tộc đã biết đến cây trà đầu tiên trong lịch sử loài người. Người Việt Nam đã uống trà từ ngàn năm nay, nhưng có lẽ đây là quyển sách đầu tiên viết về nghệ thuật uống trà của Đông phương bằng Việt ngữ tương đối đầy đủ hơn cả.” Mở đầu bằng một vài dòng tâm huyết, giản dị và gần gũi như cái cách người ta vẫn bắt đầu một câu chuyện, Trà Kinh sau đó đưa người đọc bước vào một thế giới của trà, vừa lạ vừa quen. Tác giả dẫn người đọc đi xuyên qua thời gian, dọc theo hành trình hàng ngàn năm phát triển của trà, tìm hiểu về nguồn gốc cây trà và tục uống trà qua các đời Đường, Tống, Minh, Thanh cho tới ngày nay. Đó là những câu chuyện, điển tích về trà, nhưng đan xen và ẩn sau tầng nghĩa bề mặt đó cũng chính là những câu chuyện về văn hóa, về nguồn cội.
Không chỉ dừng lại ở đó, tác giả tiếp tục đưa người đọc khám phá những mảng màu khác đầy thi vị trong thế giới của trà. Đó là trà danh (tên và phân loại của các loại trà), trà cụ (dụng cụ pha trà), trà hữu (bàn về nước pha trà – người bạn của trà), trà lục (những tác phẩm của người xưa viết về trà)… Người đọc sẽ được đắm chìm trong một thế giới rộng lớn đầy màu sắc, từ trà gạch, trà bánh, trà rời cho đến Trà Xanh, Hồng Trà, Ô Long Trà…; sẽ được à ồ thích thú với những câu chuyện về trà cụ - từ những ấm trà, tách trà được chế tác tinh xảo, công phu xưa kia, cho tới những dụng cụ pha trà ngày nay đang cùng với trà đi khắp thế giới; và chắc chắn sẽ không thể không cảm thấy thích thú khi được biết thêm những tinh túy của nghệ thuật thưởng trà, để rồi nhận ra rằng, những tinh túy ấy kì thực rất đơn sơ, đẹp bình dị như cốt lõi của cuộc sống vậy.
Tác giả dành phần cuối của cuốn sách để viết về trà Việt. Giống như văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam, Trà Việt mang một cái hồn mộc mạc, giản dị nhưng rất đáng yêu, tinh tế.
“Làm trai biết đánh Tổ Tôm
Uống trà Mạn Hảo, ngâm Nôm Thúy Kiều.”
~Ca dao~
“Say minh nguyệt, chè ba chén
Thú thanh phong, lều một gian”
~Nguyễn Trãi~
Trà Kinh là một cuốn sách cô đọng, giản dị, thú vị mà uyên thâm. Người đọc sẽ có cảm giác như đang được ngồi đàm đạo với một bậc tiền bối bên bàn trà thanh ngát hương thơm, giữa một không gian trời đất giao hòa, để rồi sẽ cảm nhận được rất rõ cái hồn tinh túy của nghệ thuật thưởng trà phương Đông, và ẩn chứa trong đó là những chiêm nghiệm về một nền văn hóa, một cuộc sống ngàn đời.
Trà Kinh sẽ là một món quà tinh thần đầy ý nghĩa và những điều thú vị cho bất kì ai yêu trà, quan tâm đến việc thưởng trà, dù là người mới bắt đầu hay đã gắn bó lâu năm.
Trích đoạn
Theo một thần thoại Trung Quốc và Nhật Bản thì nguyên một thiền sư Tây Trúc ở Trung Quốc nhân vì không muốn ngủ quên trong lúc ngồi thiền, đã cắt đứt hai mí mắt vứt xuống đất. Tự nhiên từ đó nảy sinh ra cây trà và đầu tiên những người dùng trà là các thiền sư, họ uống tà để tâm trí được bình thản và quên buồn ngủ trong khi ngồi thiền. Với huyền thoại Nhật Bản thì vị thiền sư này không ai khác chính là Bodai Daruma (Bodhidharma/ Bồ Đề Đạt Ma)
Thật sự thì chúng ta có thể biết rõ hơn là trà đã được dùng trước thời tố Đạt Ma mang Thiền Tông vào đông độ (khoảng cuối thể kỷ thứ năm sau Tây Dương lịch) khá lâu. Tuy nhiên huyên thoại này có ý nghĩa thật sự là Trà, nghệ thuật dùng trà như ta sẽ thấy, quả thật có nhiều liên quan đối với thiền gia, đạo gia. Chính những vị này đã dùng trà đầu tiên và hơn nữa, đã biến trà thành một nghệ thuật tinh vi.
Một huyền thoại phổ thông nữa là trà được biết đến từ thời Thần Nông (khoảng 3000 năm trước Tây Dương lịch, B.C). Thần Nông như chúng ta biết vẫn được các dân tộc Á Đông coi như là vị nhân thần đã dạy còn người biết đến nông nghiệp nên được gọi là Thần Nông. Thần Nông sai mặt trời tỏa sáng và hơi nóng giúp cho cây có sống được nên cũng có tên khác là Viêm Đế (Vua coi về sức nóng). Nên nhớ theo truyện cổ nhân gian Việt Nam thì người Việt Nam đều là con cháu vua Thần Nông: “ Đế Minh là cháu ba đời họ Viềm Đế Thần Nông, sinh ra Đế Nghi. Đi tuần về phía Nam đến núi Ngũ Lĩnh lấy được con gái bà Vụ Tiên, sinh ra Lộc Tục... Phong Lộc Tục là Kinh Dương Vương để trị phương Nam, lấy tên nước là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương có tài đi dưới thủy phủ, sau đó lại lấy con gái Long Vương ở hồ Động Đình, sinh ra Sùng Lãm hiệu lạc Long Quân...” (Truyện họ Hồng Bàng, Lĩnh Nam Chích Quái).
Thần Nông (2737-2697 B.C. ) là một trong Tam Hoàng, ba ông vua đầu tiên của Trung Quốc trong huyền sử (theo tài liệu về sử học và khảo cổ học thì ngày nay người ta mới chỉ công nhận có đời nhà Thương (Ân), 1384-1111 B.C., cho đến ngày nay có dấu vết rõ ràng, là chính sử). Những thế kỷ về trước các học giả sử gia Việt Nam đã thường tỏ ý nghi ngờ về truyền thuyết họ Hồng Bàng là con cháu Thân Nông, và cho rằng ông cha ta tạo ra huyền thoại đó chỉ vì lòng tự ái dân tộc, muốn cho rằng Việt Nam cũng ngang hàng với Trung Quốc vì cũng có cùng một ông tổ xa xưa... Những năm gần đây thì giới học giả với các tài liệu về cổ nhân học và khảo cổ học thì bắt đầu bàn bạc bác lại thuyết thiên di. Nhưng tôi lại cho rằng Thần Nông (có thể là một bộ lạc hoặc nhiều bộ lạc hoặc một người lãnh đạo bộ lạc) chính là người Việt cổ. Chính những người này đã dạy dân tộc Trung Quốc biết đến nghề nông. Chứng cớ hiển nhiên là vì giới nghiên cứu quốc tế, đã khẳng định bằng phương pháp đo phóng xạ Carbon các cổ vật, để chứng minh Việt Nam đã biết đến Nông nghiệp trước Trung Quốc khoảng 500 năm. Các di tích mới đào được ở vùng Ân Khư, ngày nay là An Dương Huyện, tỉnh Hồ Nam (kinh đo cũ thời nhà Thương) đã cho thấy có rất nhiều cổ vật có dấu vết Lạc Việt: Từ các hình cá sấu, trâu, voi, trĩ đến loại đồ gốm đen... cũng nên biết ngay ten Thân Nông (Shen-Nung), dù đã là tiếng Hán cũng vẫn giữ được cấu trúc Việt ngữ (đúng theo cấu trúc chữ Hán phải là Nông Thần giống như Viêm Đế). Xin xem chi tiết trong tác phẩm “Nguồn gốc dân tộc Việt” của chúng tôi, đặc biệt là chương “Ấn tích Lạc Việt trong nguồn văn hóa Ngưỡng Thiều, An Dương”.
Trở lại với huyền thoại Thần Nông đã biết dùng trà. Các học giả cổ của Trung Quốc đã dẫn chứng trong sách “bản thảo” (là quyển sách thuốc cổ nhất về y học Trung Quốc, vừa được Bắc Kinh cho dịch ra ngoại văn). Sách “bản thảo” vẫn được tin tưởng rằng do chính Thần Nông (2737-2697 B.C.) viết ra. Nhưng ngày nay thì nguwoif ra biết đích xá hơn, đó là tác phẩm được viết vào đời Hán (25-220 sau Tây Dương lịch, A.D.). Riêng đoạn viết về trà, thì giới học giả hiện đại cũng có thể chứng minh đó là những đoạn chỉ mới thêm vào trong khoảng nhà Đường (618-907). Vì vậy thuyết này với sách “Bản Thao” cũng không đủ ấn chứng.