Lịch sử thành văn của trọn một thiên niên kỷ vừa qua, giới sử học chúng ta đã quan tâm nhiều và chủ yếu đến một lịch sử giữ nước mà chưa thật quan tâm đúng mức đến một lịch sử dựng nước, trong đó có lịch sử trị nước (quản lý đất nước) gắn liền với vai trò và đóng góp của các triều đại phong kiến Việt Nam. Có thể cũng vì thế và qua cái lăng kính ấy, triều Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam kéo dài gần một thế kỷ có chủ quyền (1802-1884) và hơn nửa thế kỷ tiếp theo là cái bóng của chế độ thuộc địa (1884-1945) chỉ còn được nhìn nhận trong sắc màu ảm đạm của một chế độ chính trị thối nát với những triều vua phản bội dân tộc đồng lõa với ngoại bang. Chế độ phong kiến ấy đã trở thành một trong hai đối tượng trong cương lĩnh chính trị của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ “phàn đế - phản phong”. Triều đại ấy thường chỉ nhận được một cách đánh giá: sự phủ nhận, đồng nghĩa với những gì xấu xa, đáng bị nguyền rủa. Điều này cũng làm cho những dấu tích vật chất (mà thực chất là một phần di sản văn hóa dân tộc) gắn liền với triều đại này đã bị hủy hoại hay để mai một khá lâu.
Nhưng chính sự nghiệp xây dựng đất nước và đặc biệt là tư duy của công cuộc đối mới kể từ giữa thập kỷ 80 của thế kỷ này đã đòi hỏi và kích thích một cái nhìn thực hơn về quá khứ gần gũi với thời đại chúng ta là triều Nguyễn. Thực ra, đó là sự nhìn nhận lại toàn bộ thế kỷ kề cận với thế kỷ XX. Và người ta càng nhận thấy rằng cái thế kỷ XIX ấy giống như cái bản lề, cái cầu nối giữa xã hội truyền thống và hiện đại trong những điều kiện thử thách ác liệt của sự áp đặt chế độ thực dân đến từ bên ngoài...
...Triều Nguyễn bắt đầu từ đời Gia Long (1802) và về hình thức kết thúc với việc vua Bão Đại thoái vị khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Tuy nhiên, khi nghiên cứu về triều Nguyễn, người ta cũng ngược dòng thời gian để nói về các chúa Nguyễn tổng cộng 9 đời, bắt đầu từ Chúa Tiên - Nguyễn Hoàng. Các chúa Nguyễn xuất phát từ cuộc đối đầu với các chúa Trịnh ở phía Bắc nhưng danh nghĩa vẫn thuận theo triều Lê đã mở mang bờ cõi về phương Nam, tạo dựng cả một cơ đồ đã làm nên sự hoàn chỉnh lãnh thổ cùa nước Việt Nam hiện đại. Đây là một giai đoạn lịch sử kéo dài 3 thế kỷ chứa đựng rất nhiều vấn đề lịch sử quan trọng và phong phú mà đến nay vẫn chưa được tìm hiểu và nghiên cứu đầy đủ, tưong xứng với tầm vóc to lớn liên quan đến quá trình phát triển lãnh thổ và sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Các hoạt động kỷ niệm một cách trọng thể nhân sự kiện 300 năm Nguyễn Hữu Cảnh thay mặt chúa Nguyễn Phúc Chu minh định vùng đất Nam bộ nói chung, Sài Gòn - Gia Định xưa mà nay là thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đáng được ghi nhận một cách nhận thức đúng đắn hơn về những vấn đề liên quan đến các vị chúa là tiên đế của các vua triều Nguyễn...