Truyện Kiều, kiệt tác chính của nhà thi hào dân tộc Nguyễn Du, là tác phẩm được đông đảo nhân dân nước ta hết sức yêu thích. Từ trước đến nay đã có nhiều bản bằng chữ Nôm và chữ quốc ngữ được in ra. Những bản đó, một mặt, góp phần vào việc phổ biến sâu rộng Truyện Kiều trong nhân dân, nhưng mặt khác, cũng làm cho tác phẩm không tránh khỏi nạn "tam sao thất bản''. Đến nay, giữa các bản đã in ra, có một số câu, số chữ chép rất khác nhau, do đó, gây khó khăn cho việc thưởng thức, giảng dạy và nghiên cứu về Truyện Kiều. Để bước đầu khắc phục tình trạng ấy và để kỷ niệm 200 năm ngày sinh nhà thơ Nguyễn Du (1765 - 1965), Viện Văn học đã đặt vấn đề tra cứu, hiệu đính lại văn bản Truyên Kiều cho tương đối chính xác hơn, đồng thời sơ bộ chú thích lại tác phẩm đó.
Bản Kiều in ra lần này dựa trên cơ sở tra cứu, đối chiếu giữa nhiều bản Nôm và quốc ngữ tiêu biểu hiện đã sưu tầm được, chủ yếu là ba bản sau đây:
1. Kim Vân Kiều tân truyện (bản Nôm), Liễu Văn đường tàng bản, Tự đức nhị thập tứ niên trọng xuân tân san (1871).
2. Kim Vân Kiều truyện (bản quốc ngữ) do Trương Vĩnh Ký phiên âm ra quốc ngữ, xuất bản lần thứ nhất tại Sài Gòn, năm 1875.
3. Đoạn trường tân thanh (bản Nôm), Giá sơn Kiều thị Oánh Mậu chú thích, Thành thái Nhâm dần trung thu vọng (1902).