Nhà chí sỹ yêu nước Lê Đại, người tham gia sáng lập, giảng dạy ở Đông Kinh Nghĩa Thục năm 1907 và từng nổi tiếng với bản dịch thơ Hải ngoại huyết thư của Phan Bội Châu. Hơn nữa, trong cuộc đời hoạt động yêu nước, bị tù đày 17 năm ở Côn Đảo, rồi khi trở về Hà Nội sống “an bần tự lạc”, giữ vững khí tiết, Cụ vẫn sáng tác nhiều thơ ca (đủ các thể loại) có giá trị, nhưng đáng tiếc là phần lớn chưa được công bố.
Tập sách Lê Đại - Con Người Và Thơ-Văn bao gồm những “di cảo” của Cụ sẽ góp phần “tư liệu” giúp chúng ta hiểu biết kỹ hơn về nhà chí sỹ khả kính, một nhân vật lịch sử tiêu biểu cho khí tiết của lớp nhà nho yêu nước cuối cùng này.
Trong sự nghiệp thơ văn của Lê Đại, ngoài một số ít bài thơ Hán Nôm, câu đối và bản dịch Hải ngoại huyết thư đã in rải rác trong một số sách báo trước đây, còn có nhiều bài thơ, phú, văn tế, câu đối đã được các con cháu của Cụ chép lại bằng chữ Quốc ngữ trong các tập “Sổ tay” của các ông Lê Chân Hùng, Lê Thế Dân, Lê Hồng Chương. Nhưng nhiều hơn cả là số thơ văn được chính tác giả chép trong các tập sách Hán Nôm như: Thanh Tâm tạp lục, Từ Long Quốc văn thi tập (Đệ nhất, đệ nhị sách), Từ Long Hán văn thi (Tiền-hậu biên), Long Liên (đệ nhất... đệ lục tập...). Có điều là, hàng mấy trăm bài thơ và câu đối này, hầu hết Cụ viết theo lối “chữ thảo” với một “thư pháp” rất tài hoa, đẹp tuyệt vời, đúng là như “phượng múa rồng bay” đối với những người “Hán Nôm học” tầm thường thì thật khó mà “nhận diện” được chính xác và đầy đủ.
Trên cơ sở số thơ văn đã sưu tầm, phiên âm, phiên dịch (còn ít ỏi) đó, tác giả tạm sắp xếp tập sách này như sau:
- Phần thứ nhất, gồm các mục: Lời giới thiệu, Lời người biên soạn, Tiểu sử sơ lược, Vài nét về thơ văn nhà chí sỹ Lê Đại.
- Phần thứ hai, gồm các mục: Thơ ca chữ Nôm, Câu đối, Thơ chữ Hán, Thơ ca dịch, Văn xuôi.
- Phần thứ ba, gồm một số bài về Thông tin tư liệu, Đánh giá văn thơ, tư tưởng, Hồi ức kỷ niệm...