Việt Nam cùng với các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên - Hàn Quốc trước kia nằm trong “Khu vực văn hóa chữ Hán” (Hán tự văn hóa quyển) với nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa, văn học. Từ giữa TK.XIX trở đi lần lượt các nước trong khu vực tiếp xúc với phương Tây, bắt đầu công cuộc hiện đại hóa đất nước, trong đó có văn học của mình. Quá trình hiện đại hóa văn học là quá trình xây dựng nền văn học mới theo mô hình văn học phương Tây với 3 thể loại chủ yếu: thơ, kịch, tiểu thuyết. Việc so sánh quá trình hình thành, đặc điểm của thơ mới, tiểu thuyết mới và kịch mới giữa từng 2, 3 nước và toàn bộ khu vực có thể thấy được những vấn đề có tính quy luật chung của cả khu vực, cũng như những điểm đặc sắc riêng của từng nước. Điều ấy cũng góp phần tăng cường hiểu biết trong khu vực và rút ra những bài học về hiện đại hóa trong hiện tại và tương lai.
Từ thực tế tháng 3 năm 2010, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM đã tổ chức Hội thảo quốc tế Quá trình hiện đại hóa văn học Nhật Bản và các nước khu vực văn hóa chữ Hán: Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc (từ cuối TK.XIX đến đầu TK.XX). Hội thảo đã nhận được hơn 100 tham luận của các nhà nghiên cứu từ những trường đại học, những viện nghiên cứu của Nhật Bản, Hoa Kỳ, CHLB Nga, Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan và của Việt Nam: Viện Văn học, các đại học lớn ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Huế, Quy Nhơn, Đà Lạt, Vũng Tàu, Cần Thơ, An Giang…Những bài viết đã trình bày về quá trình hiện đại hóa văn học của các nước Đông Á, so sánh những điểm tương đồng và khác biệt giữa các nước, giới thiệu những nhà văn, nhà thơ tiêu biểu cho văn học cận đại mỗi nước: Phan Khôi, Phạm Quỳnh, Hồ Biểu Chánh, Hoàng Ngọc Phách, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Khái Hưng, Nhất Linh…của Việt Nam; Shimazaki Toson, Fukuzawa Yukichi, Futabatei Shimei, Tanizaki Junichiro, Kawabata Yasunari…của Nhật Bản; Lỗ Tấn, Hồ Thích, Quách Mạt Nhược, Lý Kim Phát, Đới Vọng Thư, Từ Chí Ma, Băng Tâm… của Trung Quốc; Han Yong-un, Yi Kwang-su, nhóm Cửu Nhân Hội… của Hàn Quốc. Có thể nói chưa bao giờ vấn đề hiện đại hóa văn học Đông Á lại được bàn luận kỹ lưỡng và tập trung như thế. Việc nghiên cứu giới thiệu thơ mới, tiểu thuyết mới, kịch mới, phê bình văn học mới đã tiến lên một bước quan trọng. Thành quả ấy rất đáng được giới thiệu cho các nhà nghiên cứu, các nghiên cứu sinh, sinh viên ngành ngữ văn, Đông phương và bạn đọc rộng rãi quan tâm đến vấn đề này.
Cuốn sách Văn học cận đại Đông Á – từ góc nhìn so sánh đã tập hợp hơn nửa số tham luận trong cuộc Hội thảo. Những bài được lựa chọn là những bài sát với chủ đề quyển sách, trong đó có ưu tiên cho các nhà nghiên cứu trẻ. Ngoài chương đầu đề cập đến những vấn đề tổng quát của văn học cận đại Đông Á, các chương tiếp được sắp theo thứ tự của quá trình hiện đại hóa văn học Đông Á – nhìn một cách tổng thể: khởi đầu ở Nhật Bản, sau đó là Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam. Trong mỗi chương, các vấn đề tổng quát được xếp trước, các vấn đề về thể loại, ngôn ngữ, các tác gia cụ thể được sắp tiếp theo và sau cùng là những bài viết có tính so sánh.