NHÂN TÂM TRONG CÁC TỈNH BỊ CHIẾM ĐỐI VỚI VĂN HÓA CŨ
Ý định của thực dân sau khi đổ bộ chiếm được thành Gia Định là chia cắt và nắm quyền cai trị lâu dài xứ ta. Bởi vậy liền trong năm 1859, tướng Page đặt ra luật lệ cảnh sát thành phố, lập sở quan thuế, mở đại lộ Catinat và năm sau, mở hải cảng Sài Gòn, bảo trợ việc thông thương trên sông từ Cap Saint Jacques vào cầu quan. Công việc cai trị được tổ chức chu đáo, công việc nghiên cứu chế độ và phong tục bản xứ cũng được tiến hành.
Tuy nhiên cái trở ngại lớn trong bước đầu của giặc là không thu phục được dân chũng. Họ chiếm được những thành phố lớn chớ chưa đi sâu được vào các thôn ấp, mà dân chúng thành phố thì đã bỏ đi gần hết khi họ chiếm đóng. Có chừng 3000 người Việt Nam theo đạo Thiên Chúa hoặc ở gần Sài Gòn, hoặc từ Đà Nẵng vào được chiêu dụ đến sống ẩn náu chung quanh chỗ đóng quân của bộ đội Pháp. Những người này luôn luôn hồi hộp lo lắng vì những sự tấn công bất ngờ và cảm tử của nghĩa quân chớ chẳng yên ổn gì đâu.
Khi Việt Nam giao nhượng ba tỉnh miền Đông cho Tây, thì nhân tâm càng thêm hoang mang li tán. Lòng người mến cũ, sợ và giận kẻ xâm lăng, khiến có người bỏ xứ mà đi về vùng đất còn thuộc triều đình...
(trích Chương 23. Giao thời: Đối nghịch giữa văn hóa cũ mới)