Từ lâu, Bản thể con người đã trở thành vấn đề cơ bản và sâu sắc nhất của mối quan hệ giữa văn học với hiện thực. Trong mối quan hệ đó, hiện thực với tư cách là đối tượng khám phá và trình diễn của văn học không còn và không phải chỉ là hiện thực cuộc sống như là dành cho các khoa học nhân văn và các nghệ thuật khác nữa.
Văn học, trong tiến trình phát triển của nó, từ mối quan tâm trọng yếu là cuộc-sống-của-con-người chuyển đổi thành mối quan tâm trọng yếu là con-người-của-chính-con-người. Sự chuyển đổi như thế là chuyển đổi về chất, là bước tiến văn minh cơ bản và rực rỡ nhất của toàn bộ tiến trình đã có của văn học. Nói cuộc sống của con người nghĩa là nói hành vi của con người bao hàm toàn bộ lịch sử trong không gian ngoài con người mà đương nhiên con người là chủ thể của lịch sử đó. Mối quan tâm đến cuộc sống con người bao gồm các mối quan tâm đến con người là gì, là thế nào trong cuộc sống đó. Trong mối quan tâm cuộc sống là gì, là thế nào, tất yếu thiết lập định hướng cơ bản nhất phải tập trung vào mục đích tối thượng là khám phá qui luật và qui trình của cuộc sống chứ không phải là khám phá chân lí của bản thân con người.
Ở đó, con người được quan tâm cao nhất với tính cách cũng như thân phận của nó trong cuộc sống chứ không phải trong bản thân nó tách khỏi cuộc sống của nó. Trong mối quan tâm tới cuộc sống như vậy, tất yếu văn học nhằm trọng yếu vào khám phá đạo lí của cuộc sống dành cho con người cũng như dành cho văn học. “Văn dĩ tải đạo” có lẽ là một trong những phát minh vĩ đại nhất của toàn bộ mối quan tâm cuộc sống là gì, là thế nào của văn học. Và đương nhiên, trong mối quan tâm đó, niềm ham mê hiểu biết cùng những khát vọng ích kỷ của con người xâm chiếm lấy văn học dành chăm chú tìm kiếm đến cấu trúc và phẩm chất ưu nhân của cuộc sống dành cho con người cũng như dành cho văn học. Thành ra “Văn dĩ tải đạo” chính là qui luật và qui trình thao túng trọn vẹn và sâu sắc nhất, chi phối các trạng thái cấu trúc và vận động của con người và của văn học mà người ta gọi tên là Chân, Thiện, Mĩ.
Trong mối quan tâm con người của con người - nghĩa là con người là gì, là thế nào trong chính nó - tất yếu thiết lập một qui luật định hướng cơ bản nhất là khám phá qui luật và qui trình của sự-sống-con-người trong không gian nội tại của cá thể con người, nghĩa là khám phá chân lí nội tại của bản thân cá thể con người. Ở đó, tất yếu con người cũng như văn học được nhằm trọng yếu vào khám phá ra đạo lí ham muốn của sự sống con người dành cho cá thể con người cũng như dành cho văn học. “Hiện sinh”, có lẽ bởi thế, là phát minh vĩ đại nhất của toàn bộ mối quan tâm con người là gì, là thế nào của văn học. Và đương nhiên, ở đó, niềm ham mê hiểu biết cùng khát vọng ích kỷ của con người tất yếu dành chăm chú tìm kiếm đến cấu trúc và phẩm chất phi-vật-chất của sự sống con người dành cho con người cũng như dành cho văn học.
Sự sống con người như vậy trở nên một phạm trù được tách biệt triệt để, cặn kẽ nhất trong tương quan hữu cơ không chỉ với tư duy duy lí mà còn với phạm trù vật chất. Thành ra “Hiện sinh” chính là qui luật và qui trình thao túng trọn vẹn và sâu sắc nhất chi phối cấu trúc và vận động các trạng thái của con người và của văn học mà người ta gọi tên là Phi lí, Xa lạ, Tha hoá. Trong mối quan tâm như vậy, sự sống con người không có ở ngoài nó dù nó có thể tìm thấy nhân tính của nó ở nơi cảm nhận được ngoài nó. Con người trong không gian cá thể con người như vậy có cấu trúc và vận động độc lập tương đối đối với cấu trúc và vận động của toàn bộ không gian cá thể con người. Con người đó, đương nhiên không thoát khỏi mối quan hệ sinh tồn với không gian phi nó trong và ngoài không gian cá thể con người.
Xin trân trọng giới thiệu!